Khải tượng

Thứ Năm, 15 tháng 11, 2018

Ý nghĩa chữ Noel và Christmas

Chữ phải có nghĩa.
Trong Mùa Giáng Sinh, người ta thường hát những bài ca Giáng Sinh – như bài “The First Noël” (bài thánh ca số 73 “Nô-en đầu tiên”) (The First Nowell, cổ ca truyền thống Anh quốc). Chắc hẳn có người cũng thắc mắc và muốn biết ý nghĩa của chữ “noël”.
Theo Pháp ngữ, “Joyeux Noël” nghĩa là “Merry Christmas” – Giáng Sinh vui mừng, MỪNG CHÚA GIÁNG SINH, nhưng người Việt thường chúc nhau bằng cách nói “Giáng Sinh an lành”. Tự điển Webster năm 1828 định nghĩa đó là “tiếng reo vui” hoặc “bài ca Giáng Sinh”. Từ “noël” (mẫu tự e có “hai chấm” ở trên) có nguồn gốc là Pháp ngữ, có thể từ cổ ngữ Pháp là “nael”. Chữ này lại được rút ra từ tiếng La tinh là “natalis”, nghĩa là “sinh”. Lễ Giáng Sinh là lễ kỷ niệm Chúa Jesus giáng thế làm người, tức là “hóa thành nhục thể”, như sứ đồ Giăng đã chép: “Ngôi Lời đã trở nên xác thịt ở giữa chúng ta” (Giăng 1:14).
Kinh Thánh cho biết: “Nầy một gái đồng trinh sẽ chịu thai, sanh ra một trai, và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14). Emmanuel, Immanuel hoặc Imanu’el (עִמָּנוּאֵל), theo tiếng Do Thái có nghĩa là “Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta”).
Một nguồn khác cũng từ Pháp ngữ, người ta cho rằng từ “noël” là do chữ “nouvelles”, nghĩa là “tin tức”. Ca khúc Giáng Sinh phổ biến “The First Noël” (Giáng Sinh Đầu Tiên) có hát: “Nô-ên đầu tiên, thiên sứ rao truyền cho kẻ chăn nghèo đang thức quanh miền…”. Đó là “tin tức”, là Tin Mừng, được thiên thần báo cho các mục đồng, báo cho nhân loại. Tuy nhiên, cách sử dụng hồi đầu và định nghĩa chữ “noël” có vẻ chỉ tập trung vào ý tưởng giáng sinh, và đó có thể là ý nghĩa đích thực.
Có một số tài liệu cho biết nguồn gốc Lễ Giáng Sinh, ít nhất là từ đầu thế kỷ IV. Hồi đó, một số cộng đoàn Cơ Đốc Nhân đã mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Rất tự nhiên, người ta thấy xuất hiện chữ “nael” và “noël” và được dùng theo cách tương tự. Cũng có nguồn cho rằng chữ “noël” được rút gọn từ chữ Emmanuel, Đức Chúa Trời -Ở-Cùng-Chúng-Ta.
Thời Trung Cổ, có vài bài hát giáng sinh bằng Anh ngữ mở đầu bằng chữ “nowell”, tương tự Pháp ngữ là “noël”. Bài hát “The First Noël” lần đầu được in trong cuốn “Carols Ancient and Modern”, do William Sandys biên tập, xuất bản năm 1823. Thông điệp của bài hát này vui mừng thông báo rằng Vua Israel đã sinh ra. Bài hát này nhắc nhở chúng ta về việc noi gương các thiên thần mà loan báo Tin Mừng về Hài nhi Jesus Christ. Ngài sinh ra không chỉ vì dân Israel, mà vì cả nhân loại. Nhờ Ngài mà chúng ta được diễm phúc lãnh nhận ơn tha thứ.

Ý nghĩa từ "Merry Christmas"
Chữ Christmas gồm có chữ Christ và Mas.
Chữ Christ (Đấng chịu xức dầu) là tước vị của Đức Chúa Jesus. Chữ Mas là chữ viết tắt của Mass (thánh lễ). Khi chữ Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ, tức là ngày lễ Giáng sinh của Đức Chúa Jesus.
Chữ Christmas và Xmas đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Vì chữ Hy lạp viết chữ Christ là Christos, Xpiơtós hay Xristos. Người ta dùng phụ âm X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos hay Xpiơtós, rồi thêm chữ Mas kế cận để thành chữ Xmas. Như vậy Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ của Đấng Christ.
Bản thân từ “Merry” đã gieo vào lòng chúng ta một niềm hân hoan, cảm giác ấm áp hạnh phúc vì nó gắn liền với dịp lễ Giáng sinh. Mặc dù các hoạt động tổ chức lễ Giáng sinh đã bắt đầu từ thế kỷ thứ IV sau công nguyên, nhưng chỉ đến năm 1699, thì cách nói “Merry Christmas” mới được sử dụng.
Trong dịp lễ giáng sinh, không chỉ có đạo Cơ Đốc mà hầu như tất cả mọi người dù ở các giai tầng hay tôn giáo khác nhau cũng đều gửi đến nhau lời chúc “Merry Christmas”. Nhiều người sử dụng từ “Happy” thay cho “Merry” để chúc nhau trong dịp giáng sinh. Cụm từ “Happy Christmas” trở nên phổ biến trên toàn thế giới vào thế kỷ XIX, khi nó được sử dụng bởi chính nữ hoàng Anh Elizabeth II.

Ngày nay, cách nói “Happy Christmas” chỉ chủ yếu được sử dụng bởi các cư dân Ireland và Anh. Đôi khi để rút gọn, nhiều người còn sử dụng từ Xmas thay cho Christmas. Tuy nhiên phải khẳng định rằng, không cụm từ hay cách nói nào có thể phổ biến bằng cụm từ “Merry Christmas”. Chúc bạn có một mùa Giáng sinh vui vẻ và hạnh phúc!
Một số nước ăn mừng ngày này vào 25 tháng 12, một số nước lại vào tối ngày 24 tháng 12. Theo Công giáo Rôma, lễ chính thức là ngày 25 tháng 12 còn gọi là "lễ chính ngày", còn lễ đêm 24 tháng 12 gọi là "lễ vọng". Dù vậy, lễ đêm 24 tháng 12 thường thu hút tín đồ tham dự nhiều hơn. Những người theo Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julius để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory 
Thời kỳ Giáo hội cơ đốc sơ khai (2,3 thế kỷ đầu công nguyên), lễ này được mừng chung với lễ Hin linh. Tuy nhiên ngay từ năm 200, thánh Clementê Alexandria (150-215) đã nói đến một lễ hết sức đặc biệt được cử hành vào ngày 20 tháng 5. Còn Hội thánh La tinh thì mừng kính lễ ấy vào ngày 25 tháng 12.Theo một nguồn khác thì tín hữu Cơ Đốc sơ khai không ăn mừng lễ sinh nhật, vì họ cho rằng ăn mừng sinh nhật là làm theo thói quen của dân ngoại đạo thờ thần tượng. Bởi lẽ đó họ không ăn mừng lễ giáng sinh của Đức Chúa Jesus trong suốt ba thế kỷ đầu. Đến thế kỷ IV, những người Cơ đốc mới bắt đầu muốn ăn mừng Lễ giáng sinh của Đức Chúa Jesus mỗi năm một lần, nhưng lại sợ bị chính quyền La Mã phát hiện và bắt bớ bởi vì đến lúc đó, Cơ Đốc Giáo vẫn chưa được công nhận là một tôn giáo hợp pháp.
Những người La Mã, hàng năm ăn mng "Thần Mặt trời" đem ánh sáng đến cho trần gian vào ngày 25 tháng 12. Những người Cơ Đốc đã lợi dụng cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Đức Chúa Giêsu giáng sinh vào đem ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại cùng một ngày với ngày lễ "Thần Mặt trời" của người La Mã. Nhờ vậy, chính quyền đã không phát hiện việc các tín hữu Cơ Đốc tổ chức ăn mừng Lễ giáng sinh của Đức Chúa Giêsu.
Đến năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine đã bỏ đa thần giáo và theo Cơ Đốc. Ông này đã hủy bỏ ngày lễ ăn mừng "Thần Mặt trời" và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật của Đức Chúa Jesus. Đến năm 354, Giáo hoàng Liberius công bố ngày 25 tháng 12 là ngày chính thức để cử hành lễ Giáng sinh của Đức Chúa Jesus.

Trong nhiều thề kỷ, những nhà ghi chép Cơ Đốc giáo chấp nhận Giáng sinh là ngày Chúa Jesus được sinh ra đời. Tuy nhiên, đến đầu thế kỷ 18, các học giả bắt đầu đề xuất một cách giải thích khác. Isaac Newton cho rằng ngày Giáng sinh đã được lựa chọn để tương ứng với đông chí ở Bắc bán cầu, từng được đánh dấu là ngày 25 tháng 12. Năm 1743, Paul Ernst Jablonski người Đức lập luận ngày Giáng sinh được xác định ngày 25 tháng 12 để khớp với ngày Sol Invictus trong tôn giáo La Mã cổ. Ngoài ra trước người Kitô giáo, nhiều nền văn hóa và tôn giáo khác cũng ăn mừng ngày lễ cuối tháng 12.

Ý NGHĨA
Ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh là tình yêu thương. Sứ đồ Giăng cho biết: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời. 17 Vả, Đức Chúa Trời đã sai Con Ngài xuống thế gian, chẳng phải để đoán xét thế gian đâu, nhưng hầu cho thế gian nhờ Con ấy mà được cứu.” (Giăng 3:16-17). Quả thật, tình yêu của Đức Chúa Trời ngoài sức tưởng tượng của chúng ta.
Kinh Thánh cho biết: “Nầy, một gái đồng trinh sẽ chịu thai, và sanh một con trai, Rồi người ta sẽ đặt tên con trai đó là Em-ma-nu-ên; nghĩa là: Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta.” (Mathio 1:23). Tại sao Chúa làm vậy? Vì Ngài yêu thương chúng ta, và yêu thương đến cùng (Giăng 13:1). Tại sao Ngài yêu thương chúng ta nhiều như vậy? Vì Ngài là Tình Yêu (IGiăng 4:8). Tại sao cần có Chúa Jesus giáng sinh? Vì chúng ta cần Đấng cứu chuộc nhân loại ra khỏi tội lỗi. Tại sao chúng ta mừng Lễ Giáng Sinh? Để cảm tạ Chúa đã yêu thương chúng ta quá đỗi. Chúng ta mừng Chúa Giêsu giáng sinh bằng cách thể hiện hành động yêu thương cụ thể: thờ phượng Chúa, rao truyền tình yêu Chúa cho người xung quanh, yêu thương cụ thể đối với những người nghèo và những người kém may mắn hơn mình,…
Như đã nói, ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh là tình yêu thương, là thể hiện lòng thương xót. Chúa yêu thương và chỉ cách để chúng ta được sống đời đời với Ngài. Ngài ban chính Con Một để cứu chúng ta khỏi án phạt: “Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết. ” (Rôma 5:8).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét