Khải tượng

Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

ĐẤNG THẦN LINH

 Bài học: ĐẤNG THẦN LINH

Câu gốc: “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” Giăng 4:24

“Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết.” Giăng 1:18

Vui học câu gốc:

Xếp hình câu gốc (viết các chữ của câu gốc trên những mảnh xếp hình, có thể làm 2 hoặc nhiều bộ để các em cùng xếp, khi xếp thì đọc to câu Kinh Thánh).

Kẹp phơi đồ: chuẩn bị những kẹp phơi đồ, viết các chữ của câu gốc trên những mảnh giấy nhỏ, cho các em kẹp theo thứ tự các mảnh giấy đó trên sợi dây, khi phơi thì đọc to câu Kinh Thánh.

Ôn bài tuần trước:

Chào mừng các em thiếu nhi đến với lớp học Kinh Thánh Trường Chúa nhật. (Giáo viên chào đón các em, xếp chỗ, lấy ghế cho em ngồi, tặng hình dán hoặc đánh dấu tên các em vào bảng điểm danh.) Các em đã được học gì về Đức Chúa Trời trong tuần trước? (Đức Chúa Trời Ba ngôi). Hôm nay chúng ta sẽ học về Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh.

Câu chuyện Kinh Thánh: Chúa Jêsus trò chuyện cùng người phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4:1-42)

Trọng tâm: Nhấn mạnh vào cuộc trò chuyện của Chúa Jêsus về sự thờ phượng Đức Chúa Trời, là Đấng Thần Linh.

Đấng Thần Linh là gì?

Em nào có thể nói cho cô biết Đấng Thần Linh là gì không? (Cho các em đưa tay phát biểu theo ý em suy nghĩ, chẳng hạn như: vô hình, không thấy được, như ma….)

Giăng 4:1-42 ghi lại câu chuyện Chúa Jêsus trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri. Người phụ nữ này quan tâm muốn biết đâu là nơi để thờ phượng Đức Chúa Trời đúng đắn: Tại núi Ga-ri-xim thuộc Sa-ma-ri? hay tại Giê-ru-sa-lem?

Người Sa-ma-ri thì tin rằng núi Ga-ri-xim là nơi thiêng liêng nhất thế giới, dâng tế lễ và cầu nguyện tại đây thì sẽ đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Còn người Do Thái lại bảo rằng Giê-ru-sa-lem mới là vùng đất thánh.

Vậy thì, phải thờ phượng Chúa nơi nào mới đúng?

Chúa Jêsus đã trả lời: Cô chẳng cần đi tìm một nơi thiêng để gặp Đức Chúa Trời, không phải tại Ga-ri-xim cũng không phải tại Si-ôn (Giê-ru-sa-lem). Sự thờ phượng thật là có thể thưa chuyện với Chúa ở bất cứ nơi nào. Vì Đức Chúa Trời là Thần. Đấng Thần Linh không có thân thể vật lý như con người và cũng không bị vật chất hạn chế. Đấng Thần linh không bị ràng buộc bởi nơi chốn.

“Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên vũ trụ và mọi vật trong đó. Vì Ngài là Ðấng chủ tể của trời và đất, Ngài không ngự trong các đền thờ do tay loài người làm nên” Công vụ 17:24

Đức Chúa Trời là Thần Linh không bị giới hạn trong thân xác, không trở nên già nua, không hư tàn như mọi vật. Ngài không có hình dạng để chúng ta có thể thấy được. “Chưa có ai thấy Ðức Chúa Trời bao giờ, ngoại trừ Con Một của Ðức Chúa Trời, Ðấng ở trong lòng Ðức Chúa Cha; Ngài đã bày tỏ cho chúng ta biết về Ðức Chúa Cha” Giăng 1:18

Vậy, tại sao nhiều chỗ trong Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời có mặt, mắt, tay chân? (Cho các em mở Kinh Thánh và tìm đọc: Thi thiên 27:8; 90:4; 98:1; 99:5; 8:3; Ê-sai 53:1)

Các trước giả Kinh Thánh đã nói theo cách con người, theo lối “nhân hình hóa” để chúng ta có thể mường tượng về Ngài. Đây là cách nói theo nghĩa bóng, chúng ta không thể hiểu mặt, mắt, tay Đức Chúa Trời theo nghĩa đen, vì chính Đức Chúa Jêsus đã nói rằng: “Thần Linh” là không có thịt xương. (Luca 24:39)

Thị cụ: Chúa Jêsus trò chuyện cùng người phụ nữ Samari

Cách làm: In hình mẫu trên giấy bìa. Tô màu và cắt rồi từng hình. Gấp hình phông nền cây cối theo đường kẻ chấm. Dán hình lục giác vào mảnh cây để lắp ghép khung cảnh. Dán hình lạc đà ở phía sau. Dán hình cái giếng phía trước lạc đà. Cuối cùng dán hình người phụ nữ Sa-ma-ri ở bên trái cảnh và hình Chúa Giê-su ở bên phải cảnh.

Câu hỏi:

Ai đã trò chuyện cùng Đức Chúa Jêsus?

Chúa Jêsus nói gì với người phụ nữ bên giếng?

Người phụ nữ này ngạc nhiên về điều gì?

Chúa Jêsus nói rằng Ngài sẽ cho bà điều gì?

trong cuộc trò chuyện, người phụ nữ quan tâm về điều gì?

Chúa Jêsus dạy gì về sự thờ phượng?

Người phụ nữ Samari đã kể cho ai nghe về Chúa Jêsus?

Em có thể kể cho ai nghe về Chúa Jêsus?

Em học được gì về Chúa trong bài học hôm nay?

Trò chơi luyện tập nhớ Kinh Thánh:

Tân ước hay Cựu ước?

Yêu cầu tất cả các em đứng thành một hàng ở giữa phòng. Dùng phấn để vẽ cuốn Kinh Thánh trên nền nhà, một bên ghi Tân Ước, một bên ghi Cựu ước.

Giải thích rằng bạn sắp đọc một tên sách Kinh thánh và nếu sách bạn đọc là trong Cựu ước thì các em sẽ nhảy qua bên trái còn nếu đó là trong Tân Ước, thì các em phải nhảy qua bên phải.

Nếu thiếu nhi lớn hơn, hãy thách thức các em bằng cách đọc những cái tên không nằm trong Kinh thánh và yêu cầu các em ngồi xuống khi nghe những tên đó.

Đây là một video ví dụ về trò chơi này.

https://www.youtube.com/watch?v=RD3ONMXfWU0

Trước và sau?

Có thể phát cho mỗi em một cuốn Kinh Thánh nếu các em chưa thuộc mục lục Kinh Thánh.

Giáo viên đọc lên 1 tên sách trong Kinh Thánh, thì các em phải đáp lại cả tên sách phía trước và phía sau sách đó.

Ví dụ: Giáo viên kêu: Giô-suê. Các em phải đáp: Phục truyền luật lệ ký – Giô-suê – Các quan xét.

Thủ công:

Tô màu tranh: Chúa Jêsus trò chuyện cùng người phụ nữ Samari

Bài tập: tìm hình ẩn trong bức tranh

Dẫn đường người phụ nữ đến cùng Chúa Jêsus bên giếng

 














Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét