Bài
học: ĐẤNG VĨNH HẰNG (đời đời mãi mãi)
Câu gốc: “Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” Thi thiên 90:2
Trò
chuyện với các em về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời
Khi bắt đầu
dạy thiếu nhi về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời, giáo viên có thể giải
thích rằng: Tất cả chúng ta đều có những đặc điểm khác nhau! Thuộc tánh là những
cách mà chúng ta có thể mô tả về bản thân. Ví dụ, có em thì nhanh, có em thì
cao, hoặc thấp, có em là một cặp song sinh. Các em có thể là người năng động, người
sáng tạo hoặc người tốt bụng. Và các em cũng có thể mô tả người khác theo cách
đó! Nhưng khi chúng ta nói về Đức Chúa Trời, Ngài có những thuộc tánh CHỈ thuộc
về Ngài. Thuộc tánh là những điều riêng biệt để chúng ta nhận biết Ngài là Đức
Chúa Trời.
Ôn
bài tuần trước:
Chào mừng
các em thiếu nhi đến với lớp học Kinh Thánh Trường Chúa nhật. (Giáo viên chào
đón các em, xếp chỗ, lấy ghế cho em ngồi, tặng hình dán hoặc đánh dấu tên các
em vào bảng điểm danh.) Các em đã được học gì về Đức Chúa Trời trong tuần trước?
(Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh). Hôm nay chúng ta sẽ học về Đức Chúa Trời là
Đấng Vĩnh Hằng.
Bài học:
Cho các em xem một hòn đá sau đó hỏi các em: các em hãy đoán
xem hòn đá này bao nhiêu tuổi?
Hòn đá này đã già lắm rồi ... thậm chí có thể 5.000 năm tuổi!
Những ngọn núi giống như những tảng đá có kích thước khổng lồ. Chúng cũng già rồi.
Nhưng trước khi những ngọn núi già này được "sinh ra" và tạo thành,
Chúa đã tồn tại. Ngài lớn tuổi hơn cả những ngọn núi và thậm chí còn lớn tuổi
hơn cả thế giới! Thực sự rấtttttt là già. Hơn 5.000 năm tuổi. Già hơn bất cứ thứ
gì khác. Nhưng chính xác thì Chúa bao nhiêu tuổi? Hãy lắng nghe cẩn thận khi thầy/
cô đọc và xem liệu những câu Kinh Thánh này có cho chúng ta biết một con số nào
về tuổi của Chúa hay không nhé.
“Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng
nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” Thi thiên
90:2
Các em có nghe câu này nói đến một con số cho biết Chúa bao
nhiêu tuổi không? Không. Câu này nói "từ trước vô cùng cho đến đời đời."
Tại sao Kinh thánh không chỉ cho chúng ta biết một con số về độ tuổi của Đức
Chúa Trời?
Kinh thánh không cho chúng ta biết Đức Chúa Trời bao nhiêu
tuổi, bởi vì Ngài có từ trước vô cùng cho đến đời đời.
Vĩnh hằng là một từ có thể được sử dụng thay thế cho “từ trước
vô cùng cho đến đời đời”
“Đức Chúa Trời vĩnh cửu là nơi ngươi trú ẩn”/ “Đức Chúa
Trời hằng sống là nơi ở của ngươi,”/ “Đức Chúa Trời hằng hữu là nơi ẩn náu”
(Phục truyền 33:27a)
Chúa là Đấng vĩnh hằng. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời
không có bắt đầu hay kết thúc. Đức Chúa Trời không có điểm khởi đầu hay lúc
Ngài bắt đầu hiện hữu. Chúa luôn luôn tồn tại. Do đó, chúng ta không thể quay lại
và đếm xem Ngài bao nhiêu tuổi. Không giống như chúng ta và tất cả mọi vật
khác, Chúa không bao giờ được tạo ra. Ngài chưa bao giờ có ngày sinh nhật. Vĩnh
hằng cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ có "kết thúc",
có nghĩa là Ngài cũng sẽ không bao giờ biến mất. Ngài sẽ không bao giờ chết.
Câu chuyện Kinh Thánh: Áp-ra-ham cầu khẩn danh Đức Chúa Trời Hằng hữu (Sáng 21:22-34)
“22 Về
thuở đó, vua A-bi-mê-léc và Phi-côn, quan tổng binh mình, nói cùng Áp-ra-ham rằng:
Đức Chúa Trời vùa giúp ngươi trong mọi việc ngươi làm. 23 Vậy bây giờ, hãy chỉ
danh Đức Chúa Trời mà thề rằng: Ngươi sẽ chẳng gạt ta, con ta cùng dòng giống
ta. Nhưng ngươi sẽ đãi ta và xứ ngươi đang trú ngụ, một lòng tử tế như ta đã
đãi ngươi vậy. 24 Áp-ra-ham đáp rằng: Tôi xin thề. 25 Áp-ra-ham phàn nàn cùng vua A-bi-mê-léc về vụ một giếng kia bị đầy tớ người chiếm
đoạt. 26 Vua A-bi-mê-léc bèn nói rằng: Ta chẳng hay ai đã làm nên nông nổi
đó; chính ngươi chẳng cho ta hay trước; ngày nay ta mới rõ đây mà thôi. 27 Đoạn,
Áp-ra-ham bắt chiên và bò, dâng cho vua A-bi-mê-léc; rồi hai người kết ước cùng
nhau. 28 Áp-ra-ham lựa để riêng ra bảy con chiên tơ trong bầy; 29 thì vua
A-bi-mê-léc hỏi rằng: Làm chi để bảy con chiên tơ đó riêng ra vậy? 30 Đáp rằng:
Xin vua hãy nhận lấy bảy con chiên tơ nầy mà chính tay tôi dâng cho, đặng làm
chứng rằng tôi đã đào cái giếng nầy. 31 Bởi cớ ấy, nên họ đặt tên chỗ nầy là
Bê-e-Sê-ba; vì tại đó hai người đều đã thề nguyện cùng nhau. 32 Vậy, hai người
kết ước cùng nhau tại Bê-e-Sê-ba. Đoạn vua A-bi-mê-léc cùng quan tổng binh
Phi-côn đứng dậy, trở về xứ Phi-li-tin. 33 Áp-ra-ham trồng một cây me tại
Bê-e-Sê-ba, và ở đó người cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời hằng-hữu.
34 Áp-ra-ham trú ngụ lâu ngày tại xứ Phi-li-tin.”
Các em thấy
không, Danh của Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Hằng Hữu (Vĩnh hằng) được nhắc đến
ở cuối câu chuyện. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh nhắc đến Danh này của Đức
Giê-hô-va. (Giê-hô-va Olam).
Vào thời của
Áp-ra-ham và các tổ phụ, vì họ sống du mục trên thảo nguyên, nên nguồn nước là
rất quan trọng. Nước không chỉ quan trọng đối với con người mà còn đối với gia
súc và mùa màng. Vì Canaan không có sông nào chảy qua nên họ phụ thuộc vào mưa
từ trời trong mùa mưa và nước từ giếng trong mùa khô. Đầy tớ của Áp-ra-ham và đầy
tớ của Lót đã tranh giành nhau vì các nguồn nước đến nỗi họ phải chia rẽ nhau
ra để sinh sống. Cuộc đời của Y-sác sau này cũng nhiều lần gặp khó khăn vì bị
tranh giành những cái giếng nước. Trong câu chuyện này cũng vậy, Áp-ra-ham phàn
nàn cùng vua A-bi-mê-léc về vụ một cái giếng kia bị đầy tớ người chiếm đoạt.
Thoạt nhìn,
cái giếng, cây me có vẻ không quan trọng, nhưng nó cho chúng ta biết nhiều điều
về Đức Chúa Trời. Việc tranh giành giếng có vẻ như là một việc nhỏ, nhưng việc ban
cho gia đình Áp-ra-ham một cái giếng để thuộc riêng về họ có nghĩa là họ có nước
dùng khi họ ở trong sa mạc. Bây giờ họ không còn phải đi lang thang nữa nhưng thực
sự có thể bắt đầu một cuộc sống ổn định.
Khi
Áp-ra-ham trồng một cái cây, điều đó cho thấy gia đình ông thực sự có thể “bén
rễ” trong vùng đất đã hứa cho con cháu ông. Đây là một dấu hiệu cho thấy Đức
Chúa Trời giữ lời hứa của mình. Khi Áp-ra-ham thờ phượng Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng
ở đây, ông đang nhớ lại lời Chúa đã hứa với ông trong Sáng thế ký 12: 2. “Ta sẽ
làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh
ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước”
Áp-ra-ham gọi Đức Chúa Trời là “El Olam” hay “Đấng Vĩnh Hằng” hoặc “Đức Chúa Trời Đời Đời”. (Viết chữ “El Olam” và “Đức Chúa Trời vĩnh hằng” trên bảng.) Các em biết rằng “El” có nghĩa là “mạnh mẽ” và được dùng cho “Đức Chúa Trời”, giống như trong “Elohim”. “Olam” có nghĩa là “vĩnh cửu, vĩnh viễn, mãi mãi.” Cái tên El Olam, Đức Chúa Trời vĩnh hằng, ngụ ý rằng những lời hứa của Chúa sẽ tồn tại mãi mãi.
Hoạt động: Rút gươm ra (thi đua lật nhanh Kinh Thánh).
Cho các em để cuốn Kinh Thánh trên bàn hoặc trên đầu, tay không được chạm vào Kinh
Thánh cho đến khi giáo viên hô: Hãy mở ra…
Thi thiên
145: 13 (em nào mở nhanh nhất thì đọc lên câu Kinh Thánh đó) “Nước Chúa là nước
có đời đời, Quyền cai trị của Chúa còn đến muôn đời.”
Thi thiên
121:7-8 “Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi tai họa. Ngài sẽ gìn giữ linh
hồn ngươi. Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khi ra khi vào, Từ nay cho đến đời đời.”
Khi chúng
ta nhớ đến Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng, chúng ta sẽ nhớ rằng Ngài giữ
lời hứa của mình mãi mãi, bất kể điều gì. Chúa gìn giữ các em khỏi mọi sự tổn hại
và Ngài quan tâm, theo dõi cuộc sống của em. Chúa luôn dõi theo em cho dù em đi
đến đâu, cả bây giờ và mãi mãi. Chúa sẽ luôn ở bên chúng ta. Luôn luôn, mãi mãi,
đời đời!
Hoạt động:
chia nhóm tìm câu Kinh Thánh.
Các em đã
bao giờ có một chiếc áo sơ mi hay một chiếc quần yêu thích mà em đã mặc nhiều đến
nỗi nó bị thủng lỗ chỗ chưa? Thật là tiếc khi chúng ta không thể mặc những thứ
yêu thích của mình nữa, phải không! Nhưng thực tế là, mọi thứ đều sẽ hao mòn và
cũ kỹ.
Bây giờ các
em hãy xem ba khúc Kinh Thánh này. (Chia lớp thành ba nhóm. Cho nhóm thứ nhất tìm
đọc Thi thiên 102: 25-27, nhóm thứ hai tìm đọc Thi thiên 103: 15-17a, và nhóm
thứ ba tìm đọc Ma-thi-ơ 24:35.)
Cả ba nhóm
hãy tìm ra trong khúc Kinh Thánh đó: những điều gì là hao mòn và điều gì tồn tại
mãi mãi. (Cho các em vài phút để tìm ra. Giáo viên chú ý lắng nghe tất cả các nhóm
để xem các em có làm đúng không, và giúp các em chọn ra mỗi nhóm 1 bạn để đọc
và giải thích đoạn Kinh Thánh.) Được rồi, nhóm một, hãy đọc Thi thiên 102: 25-28
và cho cả lớp biết điều gì sẽ hao mòn và điều gì tồn tại mãi mãi.
“Thuở xưa
Chúa lập nền trái đất, Các từng trời là công việc của tay Chúa. 26 Trời đất sẽ
bị hư hoại, song Chúa hằng còn; Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống; Chúa sẽ đổi
trời đất như cái áo, và nó bị biến thay; 27 Song Chúa không hề biến cải, Các
năm Chúa không hề cùng. 28 Con cháu tôi tớ Chúa sẽ còn có, Dòng dõi họ sẽ được
lập vững trước mặt Chúa.”
Trong câu
này chúng ta thấy trời đất sẽ tàn lụi, cũ mòn như cái áo. Nhưng Chúa là còn mãi
mãi.
Nhóm hai,
cho chúng ta biết về Thi thiên 103: 15-17a. “Đời loài người như cây cỏ; Người
sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; 16 Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng
còn, Chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa. 17 Song sự nhân từ Đức Giê-hô-va hằng
có đời đời cho những người kính sợ Ngài, Và sự công bình Ngài dành cho chắt
chít của họ.”. Ở đây cho thấy rằng chúng ta sẽ tàn lụi như cỏ và hoa. Hôm nay chúng
ta còn sống ở đây, nhưng có thể qua ngày mai là không còn nữa rồi. Nhưng khi
chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời, tình yêu của Ngài sẽ ở với chúng ta MÃI MÃI. (Trên
bảng viết “Chúa là mãi mãi” và “Tình yêu của Chúa là mãi mãi.”)
Nhóm ba, đọc
và giải thích Ma-thi-ơ 24:35. " Trời
đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi. " Trời và đất sẽ biến mất
trong thời kỳ cuối cùng của muôn vật, nhưng lời của Đức Chúa Trời, lẽ thật
trong Kinh thánh, sẽ không bao giờ biến mất. (Trên bảng viết “Kinh thánh còn
mãi mãi.”)
Bởi vì Đức
Chúa Trời là El Olam, Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng, Ngài sẽ còn đến mãi mãi. Những lời
hứa của Ngài là mãi mãi. Tình yêu của Ngài là mãi mãi. Lời Ngài còn mãi mãi.
Còn một thứ nữa có thể tồn tại mãi mãi. Truyền đạo 3:11 nói, “Phàm vật Đức Chúa
Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở
nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối
cùng, người không thế hiểu được.” Ngài đã gieo vào lòng người sự vĩnh hằng. Ngay
cả khi chúng ta có cõi vĩnh hằng trong lòng, chúng ta cũng không thể nhìn thấy
tất cả những gì Đức Chúa Trời làm từ ban đầu cho đến cuối cùng. Chúng ta chỉ có
thể nhìn thấy một phần nhỏ trong cuộc sống của mình. Ngoài Chúa ra, không ai biết
được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tin cậy nơi
Ngài.
Chúa yêu chúng ta. Chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta làm những
điều xấu và không xứng đáng được sống với Chúa mãi mãi trên thiên đàng. Nhưng
Chúa VẪN yêu chúng ta. Vì vậy, Ngài đã ban sự sống đời đời cho chúng ta. Thế giới
này không phải là quê hương của chúng ta. Thiên đường mới chính là quê hương.
Chúa là mãi mãi. Những lời hứa của Ngài là mãi mãi. Tình yêu
của Ngài là mãi mãi. Lời của Ngài là mãi mãi. Và chúng ta có thể sống mãi mãi
khi chúng ta biết Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Chúa Giê-xu, Đấng đã chết vì tội
lỗi của chúng ta, sống bây giờ và cho đến mãi mãi. (Trên bảng viết, “Chúng ta
có thể sống mãi mãi.”)
Lý do mà chúng ta có thể sống mãi mãi khi tin cậy vào Chúa
Giê-xu là vì Chúa Giê-su vẫn còn mãi mãi! Trong Khải Huyền 22:13, Chúa Giê-su
nói, “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu tiên và Cuối cùng, Khởi đầu và Kết thúc.”
Alpha và Omega là những chữ cái đầu tiên và cuối cùng trong bảng chữ cái Hy Lạp.
Giống như A và Z. Ba lần liên tiếp trong câu này, Chúa Giê-su nói với chúng ta
rằng Ngài là mãi mãi. Khi chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu đã chết vì tội lỗi của
chúng ta, rồi sống lại và sẽ sống mãi mãi, thì chúng ta cũng sẽ sống mãi mãi!
Và đó là một lời hứa. Và chúng ta biết El Olam, Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng, Hằng Hữu,
sẽ luôn giữ lời hứa của mình!
Thủ công:
đồng hồ giấy “Đức Chúa Trời Vĩnh hằng”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét