Khải tượng

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2020

Giải kinh I Sử ký 21 - Đại dịch Corona so với ôn dịch trên Y-sơ-ra-ên


Những ngày này khi dịch bệnh Corona lan tràn khiến nhiều người lo lắng sợ hãi. Nó được gọi là đại dịch vì số người tử vong quá nhiều và trong thời gian ngắn. Từ Trung Quốc, bây giờ đến Hàn Quốc cũng phát dịch nữa. Từ hồi tôi còn nhỏ đến giờ, chưa từng thấy trường học được nghỉ hơn cả tháng mà không phải nghỉ hè như thế này.
 Nhiều suy nghĩ từ vấn đề này, ai ai cũng có suy nghĩ riêng của mình: lo hay không lo? Suy nghĩ về hậu quả, về nguyên nhân, về giải pháp… nhiều ý kiến khác nhau.
Nay tôi lại đọc đến đọan Kinh Thánh I Sử ký 21. Số người ngã chết vì ôn dịch chỉ trong 3 ngày là 7 vạn người (70.000 người). Chỉ có 1 thiên sứ cầm gươm đi hủy diệt là 7 vạn người ngã ra chết. Tôi nhớ đến những đoạn clip người bị Corona ngã chết ngoài đường, nhưng tưởng tượng cảnh 7 vạn người ngã chết thật kinh khủng. Ở Trung quốc, các lò thiêu hoạt động hết công suất và thải khí đen cả bầu trời Vũ Hán như báo chí đưa tin. Còn 7 vạn người Y-sơ-ra-ên thì chôn, thiêu cách nào?
Vua Nê-bu-cát-nết-sa, vị vua hùng cường nhưng kiêu ngạo, đến cuối cùng đã xưng nhận về Đức Chúa Trời thế này:
34Đến cuối-cùng những ngày đó, ta đây, Nê-bu-cát-nết-sa, ngước mắt lên trời, trí-khôn đã phục lại cho ta, và ta xưng-tạ Đấng Rất Cao. Ta bèn ngợi-khen và làm sáng danh Đấng sống đời đời, uy-quyền Ngài là uy-quyền còn mãi mãi, nước Ngài từ đời nọ đến đời kia. 35Hết thảy dân-cư trên đất thảy đều cầm như là không có; Ngài làm theo ý mình trong cơ-binh trên trời, và ở giữa cư-dân trên đất; chẳng ai có thể cản tay Ngài và hỏi rằng: Ngài làm chi vậy?
1 Sử-ký 21
1 Sa-tan dấy lên muốn làm hại cho Y-sơ-ra-ên, bèn giục Đa-vít lấy số Y-sơ-ra-ên. 
Câu này cho chúng ta thấy ban đầu nó được thúc đẩy bởi vì cơn giận của Chúa đã được khơi dậy chống lại Israel. Vì vậy, chúng ta thấy rằng Sa-tan đã giục lòng Đa-vít nhưng rõ ràng Đức Giê-hô-va cho phép điều đó như một sự trừng phạt chống lại Đa-vít.
II Sam 24 thì chép: Cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va lại nổi phừng cùng dân Y-sơ-ra-ên. Ngài giục lòng Đa-vít nghịch cùng chúng mà rằng: Hãy đi tu bộ dân Y-sơ-ra-ên và Giu-đa
Vì Kinh Thánh không hoàn toàn ghi chép đầy đủ các sự kiện trong dòng lịch sử, nên chúng ta không biết có một nguyên nhân nào khiến cơn giận của Chúa nổi lên cùng dân sự Ngài, có thể là các vấn đề về gia đình hoặc nội chiến (theo một số nhà giải kinh).
2 Đa-vít nói với Giô-áp và các quan trưởng của dân sự rằng: Hãy đi lấy số dân sự, từ Bê-e-Sê-ba cho đến Đan; rồi đem về tâu lại cho ta, để ta biết số họ
Nguyên tắc của Xuất 30:12 nói lên quyền sở hữu của Đức Chúa Trời đối với dân sự của Ngài. Trong suy nghĩ của nền văn hóa cổ đại, một người chỉ có quyền đếm hoặc kiểm kê những gì thuộc về họ. Dân Y-sơ-ra-ên không thuộc về David; mà thuộc về Chúa. Chúa phải ra lệnh cho việc kiểm tra dân số, và nếu David đếm số dân sự, thì ông chỉ nên làm điều đó theo lệnh của Ngài mà thôi.
Theo Morgan, việc đếm số dân sự mà David làm đó không hẳn là sai trái tội lỗi, nhưng tội là ở động cơ làm việc đó. Nếu động cơ phát sinh từ lòng kiêu ngạo, khiến ông tin cậy nơi số đông đảo binh lính mà ông có, chứ không tin cậy nơi Đức Chúa Trời. Khi chúng ta được thúc giục thống kê dân sự, chúng ta có thể biết được nó đến từ Chúa hay đến từ ma quỷ, nếu xem xét động cơ. Động cơ là phục vụ, thì đến từ Đức Chúa Trời. Động cơ là lòng kiêu hãnh, nó đến từ ma quỷ.
3 Giô-áp thưa; Nguyện Đức Giê-hô-va gia thêm dân sự Ngài nhiều gấp trăm lần đã có! Ôi vua chúa tôi! hết thảy chúng nó há chẳng phải là tôi tớ của chúa tôi sao? Cớ sao chúa tôi dạy biểu làm điều đó? Nhân sao chúa tôi muốn gây tội lỗi cho Y-sơ-ra-ên?
Tướng Giô-áp không sợ khi nói lại với vua, ông đã khéo léo cản vua làm cái việc thống kê dân sự. Trong lời Giô-áp nói cũng có hàm ý về động cơ mà David làm việc này.
II Samuen 24 cho chúng ta biết David làm việc này trong những ngày cuối cùng trong vương triều của ông, khi ông đã già, ông cố gắng tìm kiếm vinh quang của chính mình. Ông muốn nhìn lại để thấy dân Y-sơ-ra-ên đã phát triển và phồn vinh trong thời đại của mình một cách ấn tượng thế nào. Tư tưởng vinh quang hư không đó đã khiến vua và dân sự bị cuốn hút vào, thích con số cụ thể (vì con số cho thấy thực tế đáng tự hào), tin tưởng vào con số có thể khiến người ta quên đi chính Đức Chúa Trời.
Bất kể lời can ngăn của Giô-áp và các quan tướng, vua David đã làm theo ý mình.
Cuộc điều tra dân số kéo dài 9 tháng 20 ngày.
8 Đa-vít thưa với Đức Chúa Trời rằng: Tôi làm điều đó, thật là phạm tội lớn; nhưng bây giờ, xin Chúa hãy bỏ qua tội ác của kẻ tôi tớ Chúa đi; vì tôi có làm cách ngu dại.
David là người vừa lòng Đức Chúa Trời (Công vụ 13:22). Ông không phải người vô tội, nhưng ông có tấm lòng nhạy cảm với tội lỗi. Khi phạm tội thì ông nhận biết và ăn năn. Chương này nhấn mạnh và viết nhiều về hành động của David sau khi phạm tội, cho thấy tính cách thực sự của con người ông. Kinh Thánh không hề che giấu những tội lỗi. Những chương trước cho thấy vẻ hào nhoáng của vua David, sự thạnh vượng của ông vì được Chúa phù hộ, nhưng ở đây cũng viết về thất bại trong cuộc đời ông nữa. nhưng phần quan trọng là thái độ và việc ông làm sau khi phạm tội.
Bây giờ David đã nhận thấy sự kiêu ngạo và hư vinh thúc giục ông làm điều ngu dại.
11 Gát bèn đến cùng Đa-vít, thưa với người rằng: Đức Giê-hô-va phán như vầy: Hãy chọn mặc ý ngươi, 12 hoặc ba năm đói kém, hoặc bị thua ba tháng tại trước mặt cừu địch ngươi, và phải gươm của kẻ thù nghịch phá hại, hay là bị ba ngày gươm của Đức Giê-hô-va, tức là ôn dịch ở trong xứ, có thiên sứ của Đức Giê-hô-va hủy diệt trong khắp bờ cõi của Y-sơ-ra-ên. 
David được phép lựa chọn hình phạt. Đức Chúa Trời dùng tội lỗi của David và hình phạt theo sau để thử cho biết tấm lòng và sự khôn ngoan của David qua sự lựa chọn này.
Ba năm đói kém: chắc chắn sẽ khiến một số người dân Y-sơ-ra-ên phải chết, nhưng tầng lớp giàu có và tích trữ sẽ sống sót, dân Y-sơ-ra-ên phải lệ thuộc vào quốc gia láng giềng về lương thực.
Ba tháng bị thua: đa số người bị chết sẽ là quân lính, và dân Y-sơ-ra-ên phải chiến đấu với kẻ thù là các quốc gia láng giềng.
Ba ngày ôn dịch: Đây sẽ là cái chết của một số người ở Israel, nhưng bất kỳ ai cũng có thể bị tấn công bởi bệnh dịch này - giàu hay nghèo, người có ảnh hưởng hoặc kẻ vô danh, hoàng gia hoặc dân thường.
Thật là một người cha đầy lòng thương xót: David phải bị đánh đòn vì tội mình, nhưng ông được phép chọn bao nhiêu roi.
David đã chọn 3 ngày bệnh dịch. Nếu chọn 2 tai họa kia, ông và gia đình ông có thể được cách ly thoát khỏi nguy hiểm, không bị ảnh hưởng gì, nhưng David nhận biết ông phải chịu trách nhiệm trong sự hình phạt này. Trong 2 tai họa kia, dân Y-sơ-ra-ên sẽ phải chịu ơn của quốc gia láng giềng (như đi xin lương thực trong cơn đói, hoặc bị họ đánh giết). David nhận biết Đức Chúa Trời nhân từ và thương xót hơn con người nhiều.
13 Đa-vít nói với Gát rằng: Ta bị hoạn nạn lớn. Ta xin sa vào tay Đức Giê-hô-va, vì sự thương xót của Ngài rất lớn; chớ để ta sa vào tay của loài người ta. 14 Đức Giê-hô-va bèn giáng ôn dịch nơi Y-sơ-ra-ên; có bảy vạn người Y-sơ-ra-ên ngã chết. 
Đây là một tai họa lớn đối với Israel - một bệnh dịch tàn khốc tấn công nhiều người trong một khoảng thời gian ngắn như vậy.
15 Đức Chúa Trời sai một thiên sứ đến Giê-ru-sa-lem đặng hủy diệt nó; đang khi hủy diệt, Đức Giê-hô-va xem thấy, bèn ăn năn việc tai vạ nầy, và nói với thiên sứ đi hủy diệt rằng: Thôi! Bây giờ hãy rút tay ngươi lại. 
David đã khôn ngoan khi chọn tai họa thứ 3. Vì Đức Giê-hô-va đã bày tỏ lòng thương xót và dừng tai họa.
 17 Đa-vít thưa cùng Đức Chúa Trời rằng: Há chẳng phải tôi đã truyền lấy số dân sao? Ấy là tôi đã phạm tội và làm điều ác; còn các con chiên kia, đã làm chi? Giê-hô-va Đức Chúa Trời tôi ôi! xin tay Chúa hãy đánh hại tôi và nhà cha tôi; nhưng chớ giáng ôn dịch trên dân sự của Chúa mà hành hại nó.
David quả là một người lãnh đạo như một người chăn thực sự, ông xin Chúa chỉ trừng phạt ông và gia đình ông mà tha cho dân sự. Nhưng Đức Chúa Trời  hành động theo mục đích của Ngài nên không chấp nhận lời cầu xin của David.
Tại nơi sân đạp lúa, David đã được gặp và thờ phượng Đức Chúa Trời. ông không nhận nó như món quà và dâng nó cho Đức Chúa Trời cách miễn phí. Ông phải mua lại, trả tiền rồi mới dâng của lễ cho Đức Chúa Trời.
Tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho chúng ta cũng đã được trả giá rất cao bằng chính mạng sống của Con Một Ngài. Tình yêu chúng ta dành cho Chúa có trả giá gì không? Có từ bỏ những gì mình có cho tình yêu đó không?
 26 Tại đó Đa-vít cất một bàn thờ cho Đức Giê-hô-va, dâng những của lễ thiêu, của lễ bình an, và cầu khẩn Đức Giê-hô-va; Ngài đáp lời người bằng lửa từ trời giáng xuống trên bàn thờ về của lễ thiêu. 
Cuối cùng chúng ta thấy “người vừa lòng Đức Chúa Trời” đã biến tội lỗi mình đã phạm và hình phạt  thành cơ hội để được thờ phượng Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời nhận lời của David bằng lửa từ trời. khi đứa con biết lỗi  và chạy đến cùng Cha, Ngài luôn sẵn sàng để tha thứ và lập lại mối thông công với con mình.
Sân đạp lúa của Ọt-nan cho chúng ta thấy hình ảnh nơi mà Đức Chúa Trời muốn gặp gỡ con người. Đó là một nơi rất đỗi bình dân, không phải là nhà thờ lộng lẫy. Là nơi mà người ta làm việc hàng ngày. Là nơi được mua bằng tiền. Là nơi sản xuất ra thức ăn. Là nơi bày tỏ sự công bình của Đức Chúa Trời, Là nơi tội lỗi được xưng ra. Là nơi của lễ thiêu được dâng lên và được chấp nhận.
Chúng ta đừng nghĩ là khoảnh khắc mà Đức Chúa Trời gặp gỡ con người là vô cùng vĩ đại hoặc hào nhoáng. Chỉ cần ở nơi mình đang làm việc, rồi cầu nguyện cùng Ngài. Đúng vậy. Đang khi những con bò đang đạp lúa, hãy quỳ gối xuống thưa chuyện cùng Ngài. Ngài sẽ hiện ra với bạn giữa những rơm và lúa.

Nguồn tham khảo: enduringword.com