Khải tượng

Thứ Bảy, 21 tháng 7, 2018

Amy Carmichael -Tôi không sợ hãi - Bài 5

CHƯƠNG 5

SỰ BẢO VỆ THIÊN THƯỢNG

Khi Amma còn trẻ, cô đã góp phần xây dựng “nhà tiếp đón” cho những cô gái nghèo làm việc trong xưởng máy. Những cô gái này được gọi là những “chiếc khăn choàng” vì tất cả các cô đều trang phục để thích hợp với công việc khó nhọc dai dẳng. Những “chiếc khăn choàng” không được tiếp đón trong những nhà thờ ở Ái Nhĩ Lan lúc đó. Họ đã hiểu ra thái độ của những người ở nhà thờ đối với họ. Họ bảo nhau: “Không ai thèm quan tâm đến chúng ta”. Nhưng có một Đấng quan tâm, đó là Đức Chúa Trời. Ngài yêu thương những thiếu nữ này. Và với sự giúp đỡ của nhiều người, nhiều “nhà tiếp đón” đã được xây dựng. Amy muốn biết nhiều hơn về “những chiếc khăn choàng” này. Có cách nào tốt hơn để hiểu biết đời sống của họ ngoại trừ sống chung với họ? Cô đã thuê một phòng nơi họ ở. Nó bẩn thỉu và đầy rận rệp.
Vào một ngày cuối tuần, khi bước xuống khỏi chuyến tàu cuối cùng để về thăm mẹ, Amy bị một bọn trẻ côn đồ vây lấy. Nhưng Amy vẫn bước đi cách bình thản giữa chúng. Cô tin rằng Đức Chúa Trời đang bảo vệ cô và vẫn bước nhanh xuống đường một cách không sợ hãi. Đám cô đồ càng lúc càng đông, sự nguy hiểm thật đã đến với Amy. Thình lình một cánh cửa dọc theo một dãy nhà mở ra, có một cánh tay phụ nữ chặn Amy lại rồi kéo vào bên trong nhà. Một sào phơi quần áo bằng gỗ được nhanh chóng kéo qua chặn cánh cửa đó lại. Người đàn bà phủ một màn vải trắng lên sào đó để bảo vệ Amy. Chỉ có một màn vải trắng ở giữa Amy và sự nguy hiểm thật sự.
Đêm đó, Amy được học bài học thứ 5 “Đức Chúa Trời luôn luôn bảo vệ chúng ta, mặc dù chúng ta không nhìn thấy”.
Nhiều năm sau đó ở Ấn Độ, Amma đã không còn lấy một màn vải trắng giữa cô và sự nguy hiểm! Và những gì xấu hơn, nguy hiểm hơn đã đến với những em nhỏ đáng thương của cô. Xung quanh dãy nhà một tầng của Amma, là vách tường thấp bằng đất bùn. Đây chỉ là sự bảo vệ mong manh đối với trộm cướp. Nhưng chắc chắn Đức Chúa Trời đang trông nom gia đình. Đônavơ trước những nguy hiểm hằng đêm. Ngài che giấu tất cả mọi người ở trong đó.
Trong sự nguy hiểm đe dọa, nhiều trẻ em và thanh thiếu niên vẫn cứ tiếp tục đến với Đônavơ. Có một em gái trốn khỏi một gia đình Hinđu vì em không thể tiếp tục tin cậy nơi những thần tượng. Em hy vọng được bảo vệ khỏi bà con họ hàng. Nhưng nhà của Amma không có ngay cả một ổ khóa, làm sao em gái đó có thể tìm được sự bảo vệ. Đức Chúa Trời đã cho Amma một câu trả lời. Cô nhanh chóng đưa em gái đến nơi mà cô nghĩ là an toàn. Nhờ một cái thang lỏng lẻo, họ leo lên tháp ngôi nhà thờ làng. Họ đã ẩn núp ở đó suốt đêm dài. Những người bà con, họ hàng giận dữ vẫn không tìm ra em bé gái.
Amma lại nhận một em bé năm tuổi tên là Kohila vào đại gia đình của cô. Nhiều tuần sau đó, ông của Kohila yêu cầu cô cho em trở về nhà. Amma biết rằng trả em lại cho gia đình có nghĩa là trả em về với tội lỗi. Kohila sẽ bị đối xử rất bạo ngược. Một cách bí mật, Amma đã gởi Kohila đến những người bạn giáo sĩ ở cách xa nơi đó hàng trăm cây số, cho đến lúc sự rắc rối qua đi. Những người bà con của Kohila rất tức giận và họ thưa ra tòa. Họ tố cáo Amma can tội bắt cóc trẻ em. Lời tố cáo rất nghiêm trọng. Ngày đó, Amma viết trong nhật ký của cô như sau: “Tất cả chúng tôi đều lo ngại sẽ bị bỏ tù vì sự việc này”. Nhưng ngày hôm sau có một bức điện báo rằng: “Vụ án nghiêm trọng này đã được miễn tố”. Ngay sau đó, Kohila lại được mang đến Đônavơ. Sự bảo vệ của Đức Chúa Trời, mặc dù không nhìn thấy được, nhưng luôn luôn bao quanh Amma và những em nhỏ của cô.
Công việc của Amma không chỉ ở giữa vòng những em bé. Cô cũng chịu nguy hiểm để giúp đỡ một tướng cướp. Ông tự phong cho mình cái tên “Hổ Đỏ”. Ông cướp của kẻ giàu và phân phát cho người nghèo. Ông nghĩ ông giúp đỡ người nghèo là đã làm những việc phải. Amma nghe tiếng Hổ Đỏ và muốn tiếp xúc với ông để làm chứng về Chúa Jêsus cho ông. Cô cầu nguyện, và Đức Chúa Trời là Đấng luôn luôn trả lời cầu nguyện. Ngài đã đặt ra một sự khát khao trong lòng Hổ Đỏ đến nỗi ông phải tìm Amma. Ông và người của ông đã tìm cách đột nhập vào khu của Amma. Họ yên lặng theo dõi Amma và những người cộng tác của cô trong tám ngày. Sau đó, nhận thấy đã được an toàn để có thể trao đổi với cô, Hổ Đỏ và hai người của ông đã bước ra ánh sáng. Amma cảm tạ Đức Chúa Trời đã ban cho cô một cơ hội để tiếp chuyện với Hổ Đỏ. Cô không sợ hãi! Cô khóc khi nghe tướng cướp kể về cuộc đời của ông. Vợ ông đã chết trong sự lo âu về những nguy hiểm đối với ông. Ông nói: “Tôi đến để nhờ cô chăm sóc cho ba đứa con của tôi.”
- “Tôi sẽ nhận chăm sóc con ông, nếu ông hứa với tôi một điều”. Amma mặc cả. “Hãy hứa với tôi rằng ông không bao giờ sử dụng súng, ngoại trừ để tự vệ”. Hổ Đỏ hứa với Amma.
Amma trình bày Lời Chúa cho Hổ Đỏ. Tướng cướp chịu cảm động khi biết rằng Đức Chúa Trời yêu thương ông ta. Amma mời gọi ông tin nhận Chúa nhưng Hổ Đỏ hứa vào lúc khác. Một ngày kia, tướng cướp Hổ Đỏ và những bộ hạ của ông đã bị bắt. Họ bị đối xử rất tàn bạo, bị tra tấn dã man đến nỗi phải vào bệnh viện. Amma đến thămhọ, mặc dù cô đã nghe về một phụ nữ phải bị tù một tháng vì mang thức ăn cho Hổ Đỏ. Chẳng bao lâu, Hổ Đỏ khỏe lại, ông được đem ra khỏi bệnh viện để vào tù. Ở đó ông bắt đầu nghiên cứu Kinh Thánh mà Amma đã cho. Ông biết Chúa Jêsus đã chịu khổ, chịu chết vì tội lỗi của ông và Ngài đã sống lại từ cõi chết. Ông đã mời Chúa Jêsus ngự vào lòng. Tội lỗi của ông đã được tha thứ. Những ngày sau đó, việc thăm tù nhân bị cấm đoán. Amma chỉ được phép viết thư cho ông một lần trong bốn tháng. Đó là một thời gian đầy khó khăn, thử thách đối với Hổ Đỏ, vì ông là một Cơ Đốc nhân quá mới mẻ.
Rồi ngày ra tòa đã đến, Hổ Đỏ xưng nhận những trọng tội. Ông đã được tuyên án. Nhưng một sáng Chúa nhật, Hổ Đỏ đã vượt ngục, Amma bắt đầu nghe thuật lại về những vụ giết người cướp của. Người ta bảo rằng Hổ Đỏ đã làm những điều đó. Amma không tin. Cô nói: “Những người khác đã lấy danh ông ta. Cô tin chắc rằng cuộc đời của Hổ Đỏ đã được biến đổi từ lúc ông tin Chúa”.
Amma viết một bức thư kêu gọi ông ra hàng phục. Amma đốt một ngọn đèn ở cửa sổ hằng đêm hy vọng Hổ Đỏ sẽ đến qui hàng. 
Cô nghe ông và đồng bọn ở không xa lắm. Cô băng qua khu rừng rậm để tìm Hổ Đỏ. Đức Chúa Trời đã giúp cô tìm ra ông ta. Cô đã trò chuyện với ông ta và hiểu được ông không hề trở về cuộc đời tội lỗi của mình. Khi cô đề cập đến những người khác giết người cướp của rồi đổ cho Hổ Đỏ làm, ông lấy làm hối tiếc vô cùng. Từ lúc ông vượt ngục, Amma không ngần ngại đến giúp đỡ ông. 
Cuộc sống của cô có thể bị đe dọa. Cô để lại cho ông vài quyển sách và cầu xin Đức Chúa Trời giúp ông làm những việc lành. Sau đó, trong lúc đang cầu nguyện cho Hổ Đỏ, Amma nghe tiếng la hét. Cảnh sát bao vây ông ta. Hổ Đỏ bắn nhiều phát súng lên trời, hy vọng sẽ chạy thoát. Rồi ông nhảy vọt lên một bãi đất đỏ, ném khẩu súng xuống và đưa tay lên đầu hàng. Ngay lập tực, ông bị bắn chết. Nhưng ông đã giữ được lời hứa với Amma. Ông đã không dùng súng của mình để giết người nữa. Người ta tiếp tục nói xấu Amma và gia đình của cô vì sự thân thiết của cô với Hổ Đỏ. Nhưng Amma không sợ. Cô biết Đức Chúa Trời đang trông nom cô. Đức Chúa Trời luôn bảo vệ chúng ta, mặc dù chúng ta không nhìn thấy. Bài học mà Cha Thiên Thượng đã dạy cho Amma lúc còn bé đã giúp cho chức vụ giáo sĩ của cô ở Ấn Độ. Cô luôn tạ ơn Chúa về điều đó.
Với những năm hoạt động ở Ấn Độ, Amma đã đạt đến đích của một cuộc đời đầy thử thách. Vào một buổi hoàng hôn, đang khi vội vã, cô bị rơi xuống một cái hố, chân bị gãy, phải nằm đó 5 giờ để chờ người tiếp cứu. Cô được chở đến bệnh viện trong đêm tối đen như mực và mưa như thác đổ trên con đường bị lũ. Chiếc xe băng qua một hố sâu do nước xói mòn. Chiếc xe nhảy vọt lên. Chân của Amma bị chấn động quá mạnh và đập mạnh xuống sàn xe làm cho cô rất đau đớn. Nếu chiếc xe bị lật xuống suối thì tất cả sẽ chết đuối. Nhưng Đức Chúa Trời vẫn còn công việc cho Amma làm. Dù vô hình không thấy được, Ngài vẫn luôn luôn bảo vệ cô. Hai mươi năm sau đó, cô không thể nào ra khỏi phòng, và hai năm rưỡi cuối cùng của cuộc đời, cô không thể bước ra khỏi giường được. Sau đó, cô đã bắt đầu một công tác quan trọng khác. Vì suốt những năm hoạt động của Amma ở Ấn Độ, cô rất bận rộn, không có thì giờ để ghi lại ba mươi bảy năm mà Đức Chúa Trời đã dùng cô trong công việc của Ngài. Bây giờ, cô đã có thì giờ. Căn phòng của Amma được gọi là “Phòng bình an”. Cô cầu xin Chúa giúp cho không có ai vào phòng của cô mà lại cảm thấy buồn bã. Cô viết văn và sáng tác bài hát cho gia đình. Có tất cả mười ba tác phẩm được viết sau khi cô bị tai nạn. Nhờ những quyển sách của cô mà mọi người trên thế giới biết đến những trẻ em trong đền thờ Ấn Độ và luật pháp cũng ra sắc lệnh nghiêm cấm việc bán trẻ em cho đền thờ. Nhờ đó đã cứu được hàng ngàn trẻ em thoát khỏi cuộc sống kinh khiếp đọa đày. “Đức Chúa Trời không bao giờ để cho tôi tớ Ngài giống như những bình bằng sứ bị nứt”.
Vào một buổi sớm mai ngày 18.1.1951, Amma đã “nhắm mắt lại” đối với trần gian này và “mở mắt ra” trong thiên đàng. Thiên đàng nghĩa là gì đối với Amma? Trẻ lại, được giải thoát khỏi đau khổ, khỏi giường bệnh, hoạt động và phụng sự Chúa trong thách thức mới và, vâng, một cách “KHÔNG SỢ HÃI!”

Amy Carmichael -Tôi không sợ hãi- Bài 4

CHƯƠNG 4

CHỈ CẦU XIN CHA LÀ ĐỦ

Chẳng bao lâu, gia đình của cô đã lên đến 30 người và vẫn tiếp tục tăng. Amy vừa là mẹ, vừa là bác sĩ và vú nuôi cho tất cả. Các em nhỏ gọi cô là “Amma” theo tiếng Ấn Độ có nghĩa là “Mẹ” (Chúng ta sẽ dùng tên này để nói về cô từ bây giờ). Ngày càng có nhiều trẻ em đến. Amma biết rằng cần phải có đủ tiền để nuôi dạy các em. Tiền cần thiết để mua gạo, sữa, và xây cất cũng như để trả lương cho những người giúp việc. Tiền cần thiết để đi đến những nơi xa xôi và cứu giúp trẻ em. Cô biết Đức Chúa Trời sẽ ban cho cô những điều cần thiết để chăm sóc trẻ em trong gia đình của cô. Cô nhớ đến món quà quí giá nhất của Ngài, là Chúa Jêsus, mà Ngài đã bằng lòng cho con người: “Ngài đã không tiếc chính Con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há cũng chẳng ban mọi sự luôn với Con đó cho chúng ta sao?” (Rôma 8:32).
Một ngày nọ, Amma cần phải có số tiền một trăm pao (khoảng năm trăm đô la). Ngày đó, có nhiều thư từ gởi đến và cô hồi hộp mong chờ khi mở từng bức thư ra, tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ chắc chắn cho nhu cầu đó. Từng bức thư, từng bức thư mở ra nhưng không có một đồn, không một ruby, không một ngân phiếu nào cả. Hoàn toàn không! Các em nhỏ cũng vây quanh giúp cô kiểm tra lại từng bao thư. Nhưng cũng không có lấy một đồng! Còn một bức thư cuối cùng chưa mở ra, cô luôn hy vọng đến giây phút cuối. Đó là bức thư từ sứ quán Anh chuyển đến “sáu mươi sáu pao”. “Hoan hô, cảm ơn Chúa” các em nhỏ reo lên, vỗ tay vui mừng. Nhưng cần đến một trăm pao! Còn ba mươi bốn pao nữa! Bây giờ đến lượt các gói quà được mở ra, đó là sách vở hoặc quà cho trẻ em. 
Họ tiếp tục mở đến gói quà cuối cùng và trong đó có một ngân phiếu ghi năm mươi mốt pao được gởi đến từ một giáo sĩ ở miền khác của đất nước Ấn Độ. Nhiều hơn nhu cầu của họ. Vâng, chỉ cầu xin Cha là đủ.
Vào một buổi sáng, Amma nói với một nhân viên ở Đônavơ:
“- Chúng ta phải sắp đặt ngày nghỉ cho các nhân viên của chúng ta. Họ cần phải có một nơi mát mẻ hơn để nghỉ ngơi.
- Nghỉ hè như cô nói là điều rất tuyệt vời. Nhưng chúng ta không có tiền cho vấn đề này”.
Amma chỉ mỉm cười. Cô chắc chắn Cha Thiên Thượng đã vui lòng và sẽ cung cấp tài chánh cần thiết cho công việc này. Sau buổi điểm tâm, Amma nhận được bức thư tay. Mở nó ra, cô nhìn thấy một trăm đô la. Bức thư ghi rõ: “Dành riêng cho việc nghỉ ngơi”. Đức Chúa Trời đã gởi số tiền đó. Ngài đã chấp nhận. Ngay sau đó một tòa nhà cao được xây trên ngọn đồi yên tĩnh mát mẻ. Nơi đó các nhân viên được thay phiên nhau nghỉ ngơi.

“Chúng ta sẽ cầu nguyện xin Cha một chiếc ô tô”. Một hôm Amma gợi ý một số nhân viên ở Đônavơ. “Chiếc ô tô sẽ nhanh hơn những chiếc xe bò”. Amma và những người cộng tác với cô cũng tin rằng họ không phải trả tiền để mua chiếc xe đó. Họ cùng nhau cầu nguyện với Đức Chúa Trời, xin Ngài chỉ dẫn cho họ phải làm gì về chiếc xe này. Rồi một ngày kia, Amma được mời đến thăm một nữ bệnh nhân ở một bệnh viện xa xôi. Đầu tiên là hai giờ đồng hồ kinh hoàng trong một chiếc xe ngựa. Rồi đến bốn giờ chờ đợi dưới sức nóng mặt trời bên lề đường. Sau đó bị nén chặt trên xe buýt suốt một quãng đường dài. Rồi sang một xe buýt khác. Xe buýt này bị hỏng dọc đường nên cô phải sang một xe ngựa. Lúc đó người lái xe ngựa đòi giá tiền xa mắc gấp ba lần vì biết Amma không thể trở về được nữa. Nhờ cơ hội này, Amma tin rằng Đức Chúa Trời đang bày tỏ cho cô câu trả lời về chiếc ô tô. “Đúng, nó thật là cần thiết”.
Khi Amma trở về Đônavơ an toàn, thư ký của cô mang chuyển sổ thu chi đến và trình bày với cô rằng trong ba tháng cầu nguyện về chiếc ô tô, bây giờ, sau khi chi phí các việc khác, họ vẫn có đủ tiền để mua một chiếc ô tô. Amma bảo họ mua một chiếc xe Ford. Nhưng cô vẫn chưa hoàn toàn thỏa lòng về việc mua chiếc xe. Cô nghĩ phải chi có một số tiền đặc biệt được gởi đến như một món quà để mua chiếc xe. Ít lâu sau, một bức thư được gởi đến. Khi mở, trong thư có một trăm đô la và sáu mươi pao với lời ghi chú: “Để mua xe Ford”. 
Những lời này lại hiện ra trong trí cô: “Chỉ cầu xin Cha là đủ”. Chiếc xe giúp họ giải quyết được cả hai vấn đề: Tiền bạc và thời gian quí báu. Khi nghe một em bé hoặc một trẻ sơ sinh bị nguy hiểm, họ có thể nhanh chóng chạy đến để cứu giúp. Amma thuê người dựng nhiều nhà. Cô và những người cộng tác cầu xin Đức Chúa Trời cho mười ngàn pao để xây một bệnh viện bằng xi măng lợp ngói. Trong sáu năm qua, tài chánh được Chúa cung cấp đầy đủ. Bây giờ, cô cần có nhiều người giúp đỡ hơn. Đức Chúa Trời đã cho cô một kỹ sư, một bác sĩ và nhiều vú nuôi người Anh.
Trước nay, Amma chỉ nhận những em gái. Cô biết các bé trai cũng ở trong tình trạng nguy hiểm. Vì vậy, cô cũng bắt đầu nhận các em trai vào nữa. Điều này có nghĩa là phải có nhiều phòng ở và thêm nhiều người giúp đỡ. Đức Chúa Trời đã tiếp trợ tiền và một xe cứu thương, một phòng giải trí, trường học, máy giặt, một xưởng rèn. Đức Chúa Trời đã sai Amma làm việc này và Ngài luôn luôn ở bên cạnh cô, đem đến cho cô mọi nhu cầu.

Amy Carmichael -Tôi không sợ hãi- Bài 3

CHƯƠNG 3

NHỮNG VIỆC CÒN LẠI ĐỜI ĐỜI

Khi còn nhỏ, Amy rất thích cưỡi chú ngựa bé nhỏ Jenny của cô qua vùng cát bụi mù mịt ở Ái Nhĩ Lan. Một ngày kia, Amy té từ lưng ngựa xuống và bất tỉnh. Nhiều tuần lễ trôi qua, cô nằm bất động trên giường. Cổ và đầu bị nêm chặt giữa hai bao cát nặng nề. Nằm yên chịu đựng như vậy thật là khó chịu. Nhưng Amy đã được dạy dỗ để hiểu biết nhiều hơn về Cha Thiên Thượng. Cô đã có thì giờ để cầu nguyện. Cô học được điều này: Chờ đợi không phải là thời gian vô ích. Đức Chúa Trời thường dùng bài học giá trị này để nhắc lại cho cô trong những giai đoạn khó khăn ở Ấn Độ. Cuộc đời theo Chúa của Amy hầu như luôn luôn giống như một cuộc leo núi để đến đỉnh vinh quang. Phải để sang bên những gánh nặng và phải có đôi bàn tay được tự do để leo. Sự so sánh này có xuất phát từ trong Kinh Thánh không? “Chúng ta cũng nên quăng hết gánh nặng và tội lỗi dễ vấn vương ta, lấy lòng nhịn nhục theo đòi cuộc chạy đua đã bày ra cho ta. Nhìn xem Chúa Jêsus là cội rễ và cuối cùng của đức tin” (Hêbơrơ 12:1-2). Biết rõ ý của Đức Chúa Trời muốn cô biệt riêng cuộc đời để lo cho các em nhỏ Ấn Độ, nên Amy không bao giờ rời bỏ công tác đó. Đồng thanh với sứ đồ Phaolô, cô quyết định: “Tôi cứ làm một điều, bươn theo sự ở đàng trước, tôi nhắm mục đích mà chạy để giựt giải về sự kêu gọi trên trời của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jesus Christ” (Philíp 3:14).
Vào một ngày mưa gió ở Penphát (Ái Nhĩ Lan) lúc Amy còn bé, cô cùng gia đình từ nhà thờ trở về nhà trên một con đường lớn. Tất cả mọi người đều khó chịu khi thấy một bà lão rách rưới đang cố gắng mang một túi nặng trên vai. Nhưng rồi thình lình Amy quay lại và chạy theo bà lão. Cô dìu bà và xách hộ chiếc túi tên một đoạn đường dài. 
Tất cả những người ăn mặc sang trọng tròn xoe mắt nhìn Amy và tỏ thái độ không tốt khi họ đi ngang qua. Mặt Amy đỏ và nóng lên. Mưa phùn vẫn rơi xuống trên họ. Amy cảm thấy khốn khổ. Cô muốn giúp đỡ người khác mà lại bị chê cười. Nhưng một câu Kinh Thánh mà Amy đã được học thuộc lòng lúc ấy chợt lóe lên tâm trí cô. “Lửa sẽ chỉ ra công việc của mỗi người” (I Côrinhtô 3:13). Cô suy nghĩ: “…mình muốn lam công việc cho Chúa Jêsus để còn lại đời đời. Người ta hiểu hay không hiểu, không thành vấn đề”.
Ngay lúc đó, khi nhớ lại câu chuyện ấy, Amy được học bài học thứ ba: Chỉ có những việc còn lại đời đời là quan trọng. Amy vẫn tiếp tục giúp đỡ mọi người. Cô mang những nồi súp đến cho những người nghèo, cô ngồi bên giường những bệnh nhân. Cô biết Chúa muốn cô làm những việc này. Mặc dù mọi người chống đối, cô vẫn luôn giúp đỡ mọi người vì cô yêu Chúa Jêsus và muốn làm vui lòng Ngài. Mỗi ngày, cô tập hợp những người lớn lại và đọc Kinh Thánh cho họ nghe. Cô kể cho họ nghe về Cha Thiên Thượng là Đấng đã yêu thương họ bằng tình yêu đời đời. Khi họ nhìn thấy tình yêu thương của Amy, họ bắt đầu hiểu nhiều hơn về tình yêu thương của Đức Chúa Trời mà cô đã yêu mến và phục vụ. Amy có rất nhiều công việc phải làm. Mỗi đêm cô về nhà trong sự nóng nực và mệt mỏi. Đón mừng cô trong ngôi nhà nhỏ bé là em Bơrina hồn nhiên, vui vẻ. Mỗi ngày, Amy đều cố gắng để khám phá ra nơi mà những người trong đền thờ tìm ra những đứa trẻ. Một ngày kia, Amy hóa trang và ở lại trong một cái quán dành cho người qua đường. Mọi người ngồi quây quần trên nền nhà, xung quanh một ngọn đèn bằng đồng có ống khói. Họ trò chuyện với nhau. Một người chuyên kết hoa đeo cổ những tượng thần cũng ở đó. Amy lắng nghe rất cẩn thận, cố gắng để không làm lộ vẻ chú ý của mình. Cô đã lần ra được một manh mối. Nếu một người mẹ chết, người cha có khi sẽ bán đứa con gái nhỏ của mình cho đền thờ để ông ta không phải chăm sóc con mình nữa. Một gia đình nghèo khổ, túng thiếu quá, cần tiền để mua gạo đôi lúc cũng sẽ bán con mình cho đền thờ. Một người mẹ nhận được nhiều ân huệ của các thần thì phải tế một đứa con. Nếu một đứa trẻ bệnh hoạn, cha mẹ phải hứa tế nó cho thần nếu nó được đem đi chữa bệnh… Thông thường, em gái lớn nhất trong nhà phải bị dâng tế cho đền thờ. Amy kể cho những Cơ đốc nhân khác nghe về những việc ghê gớm này. Nhưng họ không đồng ý cho cô rời bỏ chức vụ giáo sĩ để đi giúp những em bé. Họ dường như không hiểu được tầm quan trọng trong việc dạy dỗ thiếu nhi về tình yêu của Đức Chúa Trời. Đối với Cha Thiên Thượng thì điều đó rất quan trọng vì Lời Chúa phán rằng: “Cha các ngươi trên trời cũng không muốn cho một đứa nàotr những đứa trẻ này phải hư mất” (Mathiơ 18:14).
Amy quyết định kiên nhẫn giúp đỡ các em nhỏ. Trẻ em tiếp tục đến sống và học tập với Amy. Rồi một ngày nọ, em gái bốn tuổi thứ nhì đến từ đền thờ. Sau đó, một người cha nói là sẽ bán con gái của ông ta cho đền thờ. Ông sẽ để nó lại cho Amy nếu cô trả cho ông một trăm ruby (khoảng bốn mươi đô la). 
Nhưng trả tiền mua đứa trẻ có đúng ý Chúa không? Amy đắn đo, cô cầu nguyện nhiều về việc này và cảm nhận rằng Đức Chúa Trời đang hướng dẫn cô, vì vậy cô đã trả tiền. Amy âm thầm cầu nguyện xin Đức Chúa Trời ban cho cô một trăm ruby đó để chứng tỏ rằng Ngài chấp nhận và khích lệ việc ấy. Một món quà lớn như thế rất hiếm có đương lúc đó. Mười ngày sau, một giáo sĩ là người không hề biết lời cầu nguyện của Amy đã gởi đến một ngân phiếu đúng số tiền này. Các em nhỏ xúm lại cùng với Amy để ngợi ca, cảm tạ Đức Chúa Trời về sự nhậm lời cầu xin cách kỳ diệu, lạ lùng đó. Ít lâu sau, Amy cứu một em bé mười ba ngày tuổi khi bé bị đem đến đền thờ… Từ lâu, Amy đã có được mười sáu em nhỏ. Cô biết cần phải có một ngôi nhà lớn hơn cho các em và cô đã tìm được một nơi an toàn cách xa thành phố, ở miền Nam Ấn Độ, trong một ngôi làng tên là Đônavơ. Đó là một nơi yên tĩnh vắng vẻ giữa những ngọn núi và biển. Cách khoảng ba cây số về hướng Tây có một ngọn núi thấp được gọi là “Núi Thánh”. Nơi đây trông giống sa mạc khô khan, nhưng ở dưới chân núi có những dòng suối cung cấp nước mát mẻ và tràn đầy sự sống. Amy rất yêu thương mỗi em bé mà Đức Chúa Trời đã đem đến cho cô. Cô cảm thấy không thể nào rời xa các em được. Nhưng cô biết rằng cô còn phải làm việc nhiều hơn nữa để rao giảng cho những em bé trong đền thờ. Suốt thời gian ở Ấn Độ, cô đã ghi lại những gì mình đã khám phá được về những em bé trong đền thờ.
 Quyển sách đầu tiên của cô mang tên “Những Điều Trông Thấy”. Những điều cô viết đã làm cho kẻ thù nổi lên chống đối. Dân chúng không đơn giản tin rằng những em bé trai và gái đáng thương kia bị bán cho đền thờ và bị đối xử như là tù nhân. Ngay cả một nhóm Cơ Đốc nhân cũng họp nhau lại để cố làm cho Amy rời khỏi chức vụ giáo sĩ của cô. Và rồi có một ngăn trở nữa xảy đến. Ông Wilson là cha nuôi của Amy kể từ khi cha ruột của cô qua đời viết thư cho Amy và xin cô về nước để gặp ông, vì ông sắp qua đời. Bạn bè bảo Amy thật là sai quấy nếu cô bỏ qua điều mong mỏi cuối cùng của cụ Wilson. Cô rất thương người cha nuôi đầy tình nghĩa này, nhưng cô không thể. 
Vì Đức Chúa Trời đã ban và giao cho cô một công việc phải làm. Amy biết những gì Đức Chúa Trời muốn cô làm. Nếu cô ra đi, các em nhỏ của cô chắc chắn sẽ bị nguy hiểm.
Giữa lúc đó, Amy liên tiếp nhận được thư mời đi giảng ở những nơi ngoài đất nước a. Amy rất có tài giảng trước đám đông và thường có đến hai mươi ngàn thính giả trong một buổi giảng. Cô rất thích giảng. Nhưng cô đã học tập để nói “không” với mọi việc, chỉ trừ ra việc mà cô biết rằng Đức Chúa Trời muốn cô làm. Amy đã biết câu trả lời: Cô phải vâng lời Đức Chúa Trời. Chỉ có việc còn lại đời đời là quan trọng. Cô đã quyết định dứt khoát ngay sau đó: Không bao giờ rời khỏi Ấn Độ và những em nhỏ của cô. Cô đã ở lại đó năm mươi lăm năm.

Amy Carmichael - Tôi không sợ hãi- Bài 2

CHƯƠNG 2

NGAY CẢ NHỮNG EM BÉ

Amy lớn lên dần về thân thể cũng như trong sự nhận biết về tình yêu của Chúa Jesus và sự chết của Ngài dành cho em. Em cũng biết Ngài đã sống lại. Ngài đã sống lại từ trong vòng kẻ chết. Amy nhớ câu Kinh Thánh ở Giăng 3:16: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.”

Amy biết tất cả những điều này là có thật, vì được viết trong Kinh Thánh. Một ngày kia, sau khi nghe giảng Lời Chúa, hội chúng được mời hát bài Thánh ca “Jêsus yêu tôi”. Rồi tất cả yên lặng để cầu nguyện. Amy chưa bao giờ hát một cách cảm động như thế. Em vừa hát vừa suy gẫm lời của bài hát: “Jêsus yêu tôi, Ngài đã chết để mở rộng cửa thiên đàng. Ngài sẽ tẩy sạch tội lỗi của tôi, để những con cái bé mọn của Ngài bước vào”. Amy không nhớ rõ bài giảng, nhưng khi hát, em suy nghĩ về Chúa Jêsus giống như một người chăn chiên đang tìm kiếm con chiên lạc mất. Em biết em đã bị lạc mất trong tội lỗi và Chúa Jêsus đang tìm kiếm em. Em cũng biết rằng chỉ có Chúa Jêsus mới có thể cứu em ra khỏi tội lỗi, chỉ có Ngài mới chịu thay hình phạt thay cho tội lỗi của em mà thôi. Amy cúi đầu xuống, em cầu nguyện với Chúa Jêsus rằng em bằng lòng tiếp nhận Ngài làm Cứu Chúa. 
Khi tiếp nhận Chúa Jêsus vào lòng, Amy chưa phải là người lớn, em vẫn còn là một cô bé. Bài học quan trọng đó đã giúp Amy rất nhiều khi cô làm giáo sĩ ở Ấn Độ sau này. Ngay cả những em bé cũng có thể tiếp nhận Chúa Jêsus để được cứu như người lớn.
Một trong những em bé cần được nghe về Chúa Jêsus là bé gái bảy tuổi tên Bơrina. Bơrina nghĩa là đôi mắt long lanh. Em sống ở trong ngồi đền Hồ Lớn, đối diện với nhà của Amy ở Ấn Độ. Một ngày kia, em chạy ra khỏi cổng đền thờ mà không ai nhìn thấy. Em phải mất ba ngày mới chạy về đến nhà cách đó ba mươi cây số.
“Mẹ ơi, cứu con! Cứu con thoát khỏi tay bà già ở trong đền thờ!” Bơrina khóc gào lên một cách thảm thiết. Nhưng mẹ em đã đẩy em ra và đem em trở lại cho bà già trong đền thờ. Trở lại đền thờ, đôi tay của Bơrina đã bị đóng dấu bằng sắt nóng để trừng phạt. “Mày sẽ bị buộc vào tảng đá, mày sẽ được tế thần ngay bây giờ”. Bà già ở đền thờ tức giận hét lên. Bơrina không hiểu gì cả. Em khóc và thiếp đi…
Một đêm kia, Bơrina quì gối trước một vị thần bằng đá. Đôi bàn tay làm cho em đau buốt vì bị phỏng rất nặng, nhưng em vẫn chắp lại thật chặt khi cầu nguyện, hy vọng rằng thần sẽ nghe. Em van xin: “Xin cho con chết!”. 
Thật là một lời cầu nguyện hết sức lạ thường ra từ miệng một em bé mới lên bảy! Vị thần đá này không thể giúp đỡ Bơrina. Nó không thể nghe và đáp lời cầu xin. Thất vọng, Bơrina rời chỗ em cầu nguyện. Em nhớ lại lời hăm dọa của bà già trong cơn tức giận: “Tao cho mày biết, có một mục da trắng ở bên ngoài bức tường chuyên bắt cóc trẻ con. Mụ sẽ bắt mày nếu mày ra ngoài đó. Người ta gọi mụ là ‘Mụ Amy bắt cóc con nít”.
Sau đêm đó, Bơrina nằm trằn trọc trên giường và thổn thức: “…mình muốn được bà ấy bắt cóc”. Em suy nghĩ: “Bà ngoại quốc có độc ác hơn người đàn bà này không? Cứ thử xem!” Một lần nữa, Bơrina hết sức cẩn thận để không bị bắt lại. Em chờ lúc không ai nhìn thấy và đâm đầu chạy thật nhanh ra ngoài đường. Em lội qua con sông, rồi chạy đến trước một biệt thự nhỏ xinh đẹp, sạch sẽ. Bơrina đã đến nhà của cô Amy ngay trong giờ điểm tâm. Amy ngạc nhiên biết bao khi có tiếng gõ cửa ngập ngừng, e dè của một em bé gái sợ sệt đang đứng ở đó.
“Mời bước vào, em bé”. Amy nói và kéo Bơrina vào lòng rồi hôn em. Cô yên lặng lắng nghe Bơrina kể tất cả những gì đã xảy ra cho em. Amy tìm một con búp bê và đặt nó trong đôi tay của bé gái mà cô biết Đức Chúa Trời đã sai đến với cô từ phía bên kia bức tường của đền thờ. Bơrina mỉm cười lần đầu tiên, khi em cầm con búp bê, ngắm nghía người bạn mới và nói: “Mình sẽ ở lại đây mãi mãi. Không một người nào trong đền thờ thương mình. Mẹ cũng không thương mình. Chưa bao giờ có ai thương mình”.

Thình lình Amy nhớ lại những điều mà cô đã học được khi còn bé: Chúa Jêsus yêu thương trẻ em. Nhìn xuống em bé trước mặt, Amy nói: “Bơrina, có một người thương yêu em trước khi cô biết về em. Đó là Đức Chúa Trời cao cả là Chúa tể trời đất”.
Rồi Amy giải thích thế nào Đức Chúa Trời đã yêu thương em và đã sai Con độc nhất của Ngài từ thiên đàng giáng sinh như một em bé để chết cho tội lỗi của em. Amy thấy những dấu sẹo trên bàn tay của Bơrina. Amy giải thích rằng bàn tay của Chúa Jêsus cũng có những dấu sẹo do những mũi đinh đóng xuyên qua bàn tay của Ngài, vì Ngài yêu thương nhân loại đến nỗi đã vui lòng gánh thay hình phạt cho tội lỗi của họ. Đôi mắt đen huyền của Bơrina tròn xoe và nước mắt bắt đầu rơi xuống, em chưa bao giờ biết được có một người yêu thương em nhiều như thế. Em buồn bã vì Chúa Jêsus đã chết. “Phải chi Ngài còn sống”. Em nói trong nghẹn ngào.
“Nhưng Ngài vẫn còn sống”. Amy giải thích: “Chúa Jêsus đã sống lại từ cõi chết. Ngài đã trở về thiên đàng và hiện nay Ngài đang chuẩn bị một quê hương tuyệt đẹp cho em và cho cô. Ngài muốn chúng ta sống với Ngài ở đó trong một ngày gần đây!”
Bơrina vui mừng cúi đầu xuống và tiếp nhận Chúa Jêsus làm Cứu Chúa của mình ngay lúc ấy. Bơrina vui mừng vô kể khi được học về Chúa Jêsus. Amy bảo với em: “Sẽ không có việc gì xảy đến với em đâu. Chúa Jêsus luôn luôn ở với em”.
Amy sẵn sàng chờ đợi sự rắc rối có thể xảy đến sau sự trốn thoát củq Bơrina bị phát hiện. Đúng như thế, chẳng bao lâu, người đàn bà trong đền thờ và một đám đông người xuất hiện ở trước cửa nhà cô. Họ la lớn cách giận dữ, gọi Amy là “Mẹ mìn” (Người bắt cóc con nít) và Bơrina là một “đứa đầu trộm đuôi cướp”. Họ hét to: “Chúng tôi sẽ tống nó vào tù”. Bơrina đứng hiên ngang phía trong hàng rào thưa trước cổng, tay ôm người bạn mới của mình. Bơrina biết rằng Chúa Jêsus đang giúp đỡ em, nên em không sợ hãi mà dõng dạc tuyên bố với mọi người: “Cháu không muốn trở về đền thờ”.
Amy ngạc nhiên vì những gì đã xảy ra sau dó. Đám đông tan dần và họ đã không trở lại một lần nào nữa. Đức Chúa Trời bảo vệ con cái Ngài. Khi ngắm Bơrina vui đùa dưới ánh nắng ấm áp, cô thắc mắc: “…Đền thờ lấy đâu ra những em bé đó? Các em đến từ đâu? Ước gì mình có thể dạy dỗ các em trước khi đền thờ tìm thấy các em. Mình rất sung sướng vì Bơ-ri-na đã đến. Mình sẽ được nhiều em nữa không?...”
Chắc chắn trong bài học kỳ tới ở đây các em sẽ được học biết nhiều hơn thề nào Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho Amy biết chương trình của Ngài cho cuộc đời cô. Và bây giờ là một số câu hỏi ôn bài.

Câu hỏi ôn bài:
1. Bài học số 1 mà Amy đã được học về sự cầu nguyện trong câu chuyện tuần rồi là gì?
2. Trong câu chuyện hôm nay, cô Amy học được bài học số 2 về các em nhỏ. Bài học đó là gì?
3. Tên của em nhỏ từ đền thờ đến với Amy là gì?
4. Khi Bơrina nghe nói về Chúa Jesus, em đã làm gì?
5. Điều gì xảy ra khi người đàn bà trong đền thờ đến để bắt Bơ-ri-na rời xa Amy?
6. Các em nghĩ xem tại sao đám đông đã bỏ đi mà không gây rắc rối chi hết?
7. Điều gì trong bài học nầy làm cho Amy nhớ lại bài học số 2 mà cô đã học được khi bé?
8. Các em có thật sự tin bài học số 2 là sự thật không? Tại sao?

Phim hoạt hình 

Amy Carmichael -Tôi không sợ hãi- Bài 1

Câu gốc: vì chúng ta là việc Ngài làm ra, đã được dựng nên trong Đức Chúa Jêsus Christ để làm việc lành mà Đức Chúa Trời đã sắm sẵn trước cho chúng ta làm theo. Ê-phê-sô 2:10

CHƯƠNG 1

“KHÔNG CŨNG LÀ MỘT CÂU TRẢ LỜI

Amy Camichen sinh ra một tuần trước lễ Giáng sinh năm 1867 ở một làng nhỏ bé dọc theo bờ biển miền Bắc nước Ái Nhĩ Lan. Cô là chị của sáu đứa em. Amy rất yêu thích màu xanh. Mẹ Amy có đôi mắt màu xanh và Amy luôn mơ ước có đôi mắt màu xanh giống mẹ. Mắt của Amy long lanh sáng ngời với vẻ lanh lẹ, đầy sức sống, nhưng lại là màu nâu! Amy thường được nghe nói về tình yêu thương của Đức Chúa Trời, Ngài ban Chúa Jêsus cho cô. Mẹ của Amy thường nói đi nói lại:
“Đức Chúa Trời luôn luôn nhậm lời cầu nguyện”
Khi mới lên ba tuổi, mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, Amy quì xuống và chân thành cầu xin Đức Chúa Trời biến đổi mắt màu nâu của em trở thành mắt màu xanh. 

Em không bao giờ nghi ngờ về lời cầu nguyện của mình. Buổi sáng líu lo như chim con, Amy nhảy xuống khỏi giường, kéo chiếc ghế để leo lên ngắm mình trong tấm gương trên cao. 
Mắt xanh? Không, nó vẫn là đôi mắt màu nâu thảm thương như hồi nào đến giờ. Em đã cầu xin và tin chắc nơi Đức Chúa Trời, nhưng Ngài đã không nhậm lời. Đang khi đứng dựa vào bàn cố gắng cầm nước mắt. Amy cảm biết có một việc rất quan trọng xảy ra. Em nghe một giọng nói nhỏ nhẹ vang lên. Có lẽ chính Đức Chúa Trời đã giúp em hiểu được điều bí ẩn đó.
“Phải chăng ‘không’ cũng là một câu trả lời?” Đúng. Đó cũng là một câu trả lòi khi cha mẹ nói “Không được”.
Khi Amy lớn lên, cô sang Ấn Độ làm giáo sĩ. Cô phải học ngôn ngữ để có thể nói chuyện với người dân bản xứ vể Đức Chúa Trời. nhưng việc học ngoại ngữ và làm quen với khí hậu nóng bức còn dễ dàng hơn là tìm hiểu đời sống của người Ấn Độ. Cô thường đi lang thang ở phố chợ hoặc những đền thờ lớn bằng đá của Ấn Độ để tìm hiểu cuộc sống tôn giáo của người Ấn Độ. Nhưng làm sao có thể đến đó được? Người Ấn Độ không bao giờ để người nước ngoài có thể vào đó được. Có gì trong những ngôi đền thờ bằng đá với những cánh cửa chạm khắc đầy dẫy hình thú kỳ quái và nặng nề? Họ thờ thần nào? Thờ phượng ra sao? Và Amy quyết định tìm hiểu những điều đó.
Cô đã thử nghiệm nhiều lần cho đến khi khám phá ra rằng cà phê có thể nhuộm cho khuôn mặt và đôi tay của cô một màu nâu đáng yêu, mềm mại giống như một người đàn bà Ấn Độ. 
Cô cũng mặc y phục Ấn Độ nữa, một cái áo dài trắng, tay ngắn và một chiếc khăn choàng cổ trùm qua đầu phủ một bên vai. Các bạn kiểm tra lại trang phục giúp cô. Họ bảo: “Ồ, trông chị y như một người Ấn Độ. Hóa trang thật tài tình”. Một người bạn thêm vào: “Chị sẽ không bao giờ qua mắt được những người đàn bà Ấn Độ nếu như chị có đôi mắt màu xanh”. Mắt xanh! Thình lình Amy chợt nhớ lại sự ngã lòng, chán nản khi cô còn bé. Cô nhớ dường như nó chỉ mới xảy ra tuần trước. Đức Chúa Trời đã phán “Không”. Bây giờ cô đã hiểu lý do Đức Chúa Trời không nhậm lời cầu nguyện của cô. Cô cần có một đôi mắt màu nâu. Đức Chúa Trời đã ban cho cô điều tốt nhất.
Một hôm, Amy trong y phục hóa trang đã vào được trong đền thờ. Không có một chút ánh sáng mặt trời ở đây, nhưng có những ngọn đuốc, ánh lửa chập chờn leo lét bao trùm một vẻ ghê rợn lên mọi vật. Trong một cái tháp lớn có một hình tượng trông đen tối, dơ bẩn và lem luốc. Có những dĩa dầu nhỏ đang cháy treo trên tường xung quanh hình tượng đó. Phía bên kia bức tường là căn phòng tối om, đầy mạng nhện, bụi bặm bẩn thỉu. Amy rùng mình. Đây là nơi thờ phượng của người Ấn Độ, và những hình thù kỳ quái xấu xí trong ngọn tháp là thần của họ. Thình lình Amy nghe trổi lên âm điệu lạ tai, nó kỳ quái và ghê rợn quá. Cô nhìn thấy tám em nhỏ Ấn Độ dễ thương. Ngay lúc đó có một người đàn ông thô lỗ xô phía sau lưng cô. Amy nhanh chóng lẻn ra ngoài. Những đứa trẻ này là ai? Chúng sẽ làm gì ở nơi tối tăm đó? Cô theo chân đoàn diễn hành đi đến một ngôi đền khác. Cô che mặt lại, và cầu xin Chúa bảo vệ mình.
Một chiếc xe lớn bằng gỗ lăn trên những bánh xe mỏng manh với một hình tượng khổng lồ đặt ở chính giữa. Có mười hai em gái nhỏ xinh xắn dễ thương tuổi từ bốn đến mười. Với vòng hoa trắng trên đầu, mái tóc đen bóng được tẩm nước hoa, các em mặc những chiếc áo dài bằng lụa đỏ tía, trên vòng tay có kết vàng. Amy cố hết sức giữ thăng bằng giữa đám đông người chen lấn để nhìn rõ khuôn mặt của các em bé. 
Đôi mắt chúng đầy kinh hãi khi chiếc xe chạy thẳng đến chiếc cửa chạm trổ bằng gỗ quí của ngôi đền bằng đá. Chúng nhìn ngoái lại một cách tuyệt vọng. Đôi mắt chúng dò tìm trong đám đông để nhìn cha mẹ. Một tiếng trống và chập choảng vang dậy, rồi cánh cửa bật mở ra. Thế là các em nhỏ bị nhốt vào trong đó. Những tù nhân! Bị bắt buộc phải lìa xa gia đình để cúng tế cho một hình tượng xấu xí ghê rợn. Amy thắc mắc: Các em có thể trốn được không? Các em sẽ trốn ở chỗ nào? Những người trong đền này tìm đâu ra những em bé mủm mỉm dễ thương kia? Có lẽ họ đã bắt cóc? Hay mua bán như súc vật? Cô tròn xoe đôi mắt nhìn vào những cánh cửa khép kín của ngôi đền. Chúng dường như đang cười cô, một phụ nữ da trắng yếu ớt, cô đơn!
Cô có thể chiến đấu để chống lại một lực lượng mạnh mẽ như vậy không? Bởi vì đứng phía sau tất cả những tôn giáo mê tín và dã man này là Satan, kẻ thù của Đức Chúa Trời, là kẻ muốn chiếm đoạt sự thờ phượng chỉ thuộc về Ngài. Nhưng Amy biết không có thần nào giống như Chúa. Đức Chúa Trời có quyền giải cứu các em nhỏ này thoát khỏi cuộc đời hư mất. Vâng, Đức Chúa Trời mạnh hơn Satan. Chúa Jêsus đã chết và sống lại để ai tin Ngài đều được giải cứu. Huyết Ngài đổ ra rửa sạch tội lỗi của những tội nhân xấu xa nhất. Amy cầu nguyện cho những em nhỏ, và Đức Chúa Trời, Đấng đã trả lời cầu nguyện của cô vể đôi mắt xanh trong rất nhiều năm trước, đã dần dần bày tỏ cho cô một kế hoạch.

Câu hỏi ôn bài:
1. Amy đã được học về Chúa Jesus ở đâu?
2. Khi lên 3, Amy đã học được bài học gì về sự cầu nguyện?
3. Tại sao Đức Chúa Trời không luôn luôn ban cho chúng ta mọi điều chúng ta xin trong lúc cầu nguyện?
4. Khi lớn lên cô Amy đã làm công việc gì?
5. Có 3 điều khó cho Amy khi cô làm giáo sĩ là gì? Điều nào là khó nhất cho cô?
6. Amy đã phải làm gì để tìm hiểu người dân Ấn Độ?
7. Amy đã làm gì để tìm hiểu sinh hoạt trong những đền chùa?
8. Cô đã nhớ điều gì về sự trả lời của Đức Chúa Trời cho lời cầu xin của cô về đôi mắt xanh?
Chúa đã dạy cho em bài học gì?
Các em nghĩ sao nếu Ngài dùng những bài học nầy để chuẩn bị cho các em trở nên người hầu việc Ngài?