Khải tượng

Thứ Sáu, 11 tháng 3, 2022

ĐẤNG VĨNH HẰNG

 

Bài học: ĐẤNG VĨNH HẰNG (đời đời mãi mãi)

Câu gốc: “Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” Thi thiên 90:2

Trò chuyện với các em về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời

Khi bắt đầu dạy thiếu nhi về những thuộc tánh của Đức Chúa Trời, giáo viên có thể giải thích rằng: Tất cả chúng ta đều có những đặc điểm khác nhau! Thuộc tánh là những cách mà chúng ta có thể mô tả về bản thân. Ví dụ, có em thì nhanh, có em thì cao, hoặc thấp, có em là một cặp song sinh. Các em có thể là người năng động, người sáng tạo hoặc người tốt bụng. Và các em cũng có thể mô tả người khác theo cách đó! Nhưng khi chúng ta nói về Đức Chúa Trời, Ngài có những thuộc tánh CHỈ thuộc về Ngài. Thuộc tánh là những điều riêng biệt để chúng ta nhận biết Ngài là Đức Chúa Trời.

Ôn bài tuần trước:

Chào mừng các em thiếu nhi đến với lớp học Kinh Thánh Trường Chúa nhật. (Giáo viên chào đón các em, xếp chỗ, lấy ghế cho em ngồi, tặng hình dán hoặc đánh dấu tên các em vào bảng điểm danh.) Các em đã được học gì về Đức Chúa Trời trong tuần trước? (Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh). Hôm nay chúng ta sẽ học về Đức Chúa Trời là Đấng Vĩnh Hằng.

Bài học:

Cho các em xem một hòn đá sau đó hỏi các em: các em hãy đoán xem hòn đá này bao nhiêu tuổi?

Hòn đá này đã già lắm rồi ... thậm chí có thể 5.000 năm tuổi! Những ngọn núi giống như những tảng đá có kích thước khổng lồ. Chúng cũng già rồi. Nhưng trước khi những ngọn núi già này được "sinh ra" và tạo thành, Chúa đã tồn tại. Ngài lớn tuổi hơn cả những ngọn núi và thậm chí còn lớn tuổi hơn cả thế giới! Thực sự rấtttttt là già. Hơn 5.000 năm tuổi. Già hơn bất cứ thứ gì khác. Nhưng chính xác thì Chúa bao nhiêu tuổi? Hãy lắng nghe cẩn thận khi thầy/ cô đọc và xem liệu những câu Kinh Thánh này có cho chúng ta biết một con số nào về tuổi của Chúa hay không nhé.

Trước khi núi non chưa sanh ra, Đất và thế gian chưa dựng nên, Từ trước vô cùng cho đến đời đời Chúa là Đức Chúa Trời.” Thi thiên 90:2

Các em có nghe câu này nói đến một con số cho biết Chúa bao nhiêu tuổi không? Không. Câu này nói "từ trước vô cùng cho đến đời đời." Tại sao Kinh thánh không chỉ cho chúng ta biết một con số về độ tuổi của Đức Chúa Trời?

Kinh thánh không cho chúng ta biết Đức Chúa Trời bao nhiêu tuổi, bởi vì Ngài có từ trước vô cùng cho đến đời đời.

Vĩnh hằng là một từ có thể được sử dụng thay thế cho “từ trước vô cùng cho đến đời đời”

Đức Chúa Trời vĩnh cửu là nơi ngươi trú ẩn”/ “Đức Chúa Trời hằng sống là nơi ở của ngươi,”/ “Đức Chúa Trời hằng hữu là nơi ẩn náu” (Phục truyền 33:27a)

Chúa là Đấng vĩnh hằng. Điều đó có nghĩa là Đức Chúa Trời không có bắt đầu hay kết thúc. Đức Chúa Trời không có điểm khởi đầu hay lúc Ngài bắt đầu hiện hữu. Chúa luôn luôn tồn tại. Do đó, chúng ta không thể quay lại và đếm xem Ngài bao nhiêu tuổi. Không giống như chúng ta và tất cả mọi vật khác, Chúa không bao giờ được tạo ra. Ngài chưa bao giờ có ngày sinh nhật. Vĩnh hằng cũng có nghĩa là Đức Chúa Trời sẽ không bao giờ có "kết thúc", có nghĩa là Ngài cũng sẽ không bao giờ biến mất. Ngài sẽ không bao giờ chết.

Câu chuyện Kinh Thánh: Áp-ra-ham cầu khẩn danh Đức Chúa Trời Hằng hữu (Sáng 21:22-34)

22 Về thuở đó, vua A-bi-mê-léc và Phi-côn, quan tổng binh mình, nói cùng Áp-ra-ham rằng: Đức Chúa Trời vùa giúp ngươi trong mọi việc ngươi làm. 23 Vậy bây giờ, hãy chỉ danh Đức Chúa Trời mà thề rằng: Ngươi sẽ chẳng gạt ta, con ta cùng dòng giống ta. Nhưng ngươi sẽ đãi ta và xứ ngươi đang trú ngụ, một lòng tử tế như ta đã đãi ngươi vậy. 24 Áp-ra-ham đáp rằng: Tôi xin thề. 25 Áp-ra-ham phàn nàn cùng vua A-bi-mê-léc về vụ một giếng kia bị đầy tớ người chiếm đoạt. 26 Vua A-bi-mê-léc bèn nói rằng: Ta chẳng hay ai đã làm nên nông nổi đó; chính ngươi chẳng cho ta hay trước; ngày nay ta mới rõ đây mà thôi. 27 Đoạn, Áp-ra-ham bắt chiên và bò, dâng cho vua A-bi-mê-léc; rồi hai người kết ước cùng nhau. 28 Áp-ra-ham lựa để riêng ra bảy con chiên tơ trong bầy; 29 thì vua A-bi-mê-léc hỏi rằng: Làm chi để bảy con chiên tơ đó riêng ra vậy? 30 Đáp rằng: Xin vua hãy nhận lấy bảy con chiên tơ nầy mà chính tay tôi dâng cho, đặng làm chứng rằng tôi đã đào cái giếng nầy. 31 Bởi cớ ấy, nên họ đặt tên chỗ nầy là Bê-e-Sê-ba; vì tại đó hai người đều đã thề nguyện cùng nhau. 32 Vậy, hai người kết ước cùng nhau tại Bê-e-Sê-ba. Đoạn vua A-bi-mê-léc cùng quan tổng binh Phi-côn đứng dậy, trở về xứ Phi-li-tin. 33 Áp-ra-ham trồng một cây me tại Bê-e-Sê-ba, và ở đó người cầu khẩn danh Đức Giê-hô-va, là Đức Chúa Trời hằng-hữu. 34 Áp-ra-ham trú ngụ lâu ngày tại xứ Phi-li-tin.”

Các em thấy không, Danh của Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời Hằng Hữu (Vĩnh hằng) được nhắc đến ở cuối câu chuyện. Đây là lần đầu tiên trong Kinh Thánh nhắc đến Danh này của Đức Giê-hô-va. (Giê-hô-va Olam).

Vào thời của Áp-ra-ham và các tổ phụ, vì họ sống du mục trên thảo nguyên, nên nguồn nước là rất quan trọng. Nước không chỉ quan trọng đối với con người mà còn đối với gia súc và mùa màng. Vì Canaan không có sông nào chảy qua nên họ phụ thuộc vào mưa từ trời trong mùa mưa và nước từ giếng trong mùa khô. Đầy tớ của Áp-ra-ham và đầy tớ của Lót đã tranh giành nhau vì các nguồn nước đến nỗi họ phải chia rẽ nhau ra để sinh sống. Cuộc đời của Y-sác sau này cũng nhiều lần gặp khó khăn vì bị tranh giành những cái giếng nước. Trong câu chuyện này cũng vậy, Áp-ra-ham phàn nàn cùng vua A-bi-mê-léc về vụ một cái giếng kia bị đầy tớ người chiếm đoạt.

Thoạt nhìn, cái giếng, cây me có vẻ không quan trọng, nhưng nó cho chúng ta biết nhiều điều về Đức Chúa Trời. Việc tranh giành giếng có vẻ như là một việc nhỏ, nhưng việc ban cho gia đình Áp-ra-ham một cái giếng để thuộc riêng về họ có nghĩa là họ có nước dùng khi họ ở trong sa mạc. Bây giờ họ không còn phải đi lang thang nữa nhưng thực sự có thể bắt đầu một cuộc sống ổn định.

Khi Áp-ra-ham trồng một cái cây, điều đó cho thấy gia đình ông thực sự có thể “bén rễ” trong vùng đất đã hứa cho con cháu ông. Đây là một dấu hiệu cho thấy Đức Chúa Trời giữ lời hứa của mình. Khi Áp-ra-ham thờ phượng Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng ở đây, ông đang nhớ lại lời Chúa đã hứa với ông trong Sáng thế ký 12: 2. “Ta sẽ làm cho ngươi nên một dân lớn; ta sẽ ban phước cho ngươi, cùng làm nổi danh ngươi, và ngươi sẽ thành một nguồn phước”

Áp-ra-ham gọi Đức Chúa Trời là “El Olam” hay “Đấng Vĩnh Hằng” hoặc “Đức Chúa Trời Đời Đời”. (Viết chữ “El Olam” và “Đức Chúa Trời vĩnh hằng” trên bảng.) Các em biết rằng “El” có nghĩa là “mạnh mẽ” và được dùng cho “Đức Chúa Trời”, giống như trong “Elohim”. “Olam” có nghĩa là “vĩnh cửu, vĩnh viễn, mãi mãi.” Cái tên El Olam, Đức Chúa Trời vĩnh hằng, ngụ ý rằng những lời hứa của Chúa sẽ tồn tại mãi mãi.

Hoạt động: Rút gươm ra (thi đua lật nhanh Kinh Thánh). Cho các em để cuốn Kinh Thánh trên bàn hoặc trên đầu, tay không được chạm vào Kinh Thánh cho đến khi giáo viên hô: Hãy mở ra…

Thi thiên 145: 13 (em nào mở nhanh nhất thì đọc lên câu Kinh Thánh đó) “Nước Chúa là nước có đời đời, Quyền cai trị của Chúa còn đến muôn đời.”

Thi thiên 121:7-8 “Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khỏi mọi tai họa. Ngài sẽ gìn giữ linh hồn ngươi. Đức Giê-hô-va sẽ gìn giữ ngươi khi ra khi vào, Từ nay cho đến đời đời.”

Khi chúng ta nhớ đến Đức Chúa Trời là Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng, chúng ta sẽ nhớ rằng Ngài giữ lời hứa của mình mãi mãi, bất kể điều gì. Chúa gìn giữ các em khỏi mọi sự tổn hại và Ngài quan tâm, theo dõi cuộc sống của em. Chúa luôn dõi theo em cho dù em đi đến đâu, cả bây giờ và mãi mãi. Chúa sẽ luôn ở bên chúng ta. Luôn luôn, mãi mãi, đời đời!

Hoạt động: chia nhóm tìm câu Kinh Thánh.

Các em đã bao giờ có một chiếc áo sơ mi hay một chiếc quần yêu thích mà em đã mặc nhiều đến nỗi nó bị thủng lỗ chỗ chưa? Thật là tiếc khi chúng ta không thể mặc những thứ yêu thích của mình nữa, phải không! Nhưng thực tế là, mọi thứ đều sẽ hao mòn và cũ kỹ.

Bây giờ các em hãy xem ba khúc Kinh Thánh này. (Chia lớp thành ba nhóm. Cho nhóm thứ nhất tìm đọc Thi thiên 102: 25-27, nhóm thứ hai tìm đọc Thi thiên 103: 15-17a, và nhóm thứ ba tìm đọc Ma-thi-ơ 24:35.)

Cả ba nhóm hãy tìm ra trong khúc Kinh Thánh đó: những điều gì là hao mòn và điều gì tồn tại mãi mãi. (Cho các em vài phút để tìm ra. Giáo viên chú ý lắng nghe tất cả các nhóm để xem các em có làm đúng không, và giúp các em chọn ra mỗi nhóm 1 bạn để đọc và giải thích đoạn Kinh Thánh.) Được rồi, nhóm một, hãy đọc Thi thiên 102: 25-28 và cho cả lớp biết điều gì sẽ hao mòn và điều gì tồn tại mãi mãi.

“Thuở xưa Chúa lập nền trái đất, Các từng trời là công việc của tay Chúa. 26 Trời đất sẽ bị hư hoại, song Chúa hằng còn; Trời đất sẽ cũ mòn hết như áo xống; Chúa sẽ đổi trời đất như cái áo, và nó bị biến thay; 27 Song Chúa không hề biến cải, Các năm Chúa không hề cùng. 28 Con cháu tôi tớ Chúa sẽ còn có, Dòng dõi họ sẽ được lập vững trước mặt Chúa.”

Trong câu này chúng ta thấy trời đất sẽ tàn lụi, cũ mòn như cái áo. Nhưng Chúa là còn mãi mãi.

Nhóm hai, cho chúng ta biết về Thi thiên 103: 15-17a. “Đời loài người như cây cỏ; Người sanh trưởng khác nào bông hoa nơi đồng; 16 Gió thổi trên bông hoa, kìa nó chẳng còn, Chỗ nó không còn nhìn biết nó nữa. 17 Song sự nhân từ Đức Giê-hô-va hằng có đời đời cho những người kính sợ Ngài, Và sự công bình Ngài dành cho chắt chít của họ.”. Ở đây cho thấy rằng chúng ta sẽ tàn lụi như cỏ và hoa. Hôm nay chúng ta còn sống ở đây, nhưng có thể qua ngày mai là không còn nữa rồi. Nhưng khi chúng ta kính sợ Đức Chúa Trời, tình yêu của Ngài sẽ ở với chúng ta MÃI MÃI. (Trên bảng viết “Chúa là mãi mãi” và “Tình yêu của Chúa là mãi mãi.”)

Nhóm ba, đọc và giải thích Ma-thi-ơ 24:35. " Trời đất sẽ qua, nhưng lời ta nói chẳng bao giờ qua đi. " Trời và đất sẽ biến mất trong thời kỳ cuối cùng của muôn vật, nhưng lời của Đức Chúa Trời, lẽ thật trong Kinh thánh, sẽ không bao giờ biến mất. (Trên bảng viết “Kinh thánh còn mãi mãi.”)

Bởi vì Đức Chúa Trời là El Olam, Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng, Ngài sẽ còn đến mãi mãi. Những lời hứa của Ngài là mãi mãi. Tình yêu của Ngài là mãi mãi. Lời Ngài còn mãi mãi. Còn một thứ nữa có thể tồn tại mãi mãi. Truyền đạo 3:11 nói, “Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người; dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được.” Ngài đã gieo vào lòng người sự vĩnh hằng. Ngay cả khi chúng ta có cõi vĩnh hằng trong lòng, chúng ta cũng không thể nhìn thấy tất cả những gì Đức Chúa Trời làm từ ban đầu cho đến cuối cùng. Chúng ta chỉ có thể nhìn thấy một phần nhỏ trong cuộc sống của mình. Ngoài Chúa ra, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Đó là lý do tại sao chúng ta phải tin cậy nơi Ngài.

Chúa yêu chúng ta. Chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta làm những điều xấu và không xứng đáng được sống với Chúa mãi mãi trên thiên đàng. Nhưng Chúa VẪN yêu chúng ta. Vì vậy, Ngài đã ban sự sống đời đời cho chúng ta. Thế giới này không phải là quê hương của chúng ta. Thiên đường mới chính là quê hương.

Chúa là mãi mãi. Những lời hứa của Ngài là mãi mãi. Tình yêu của Ngài là mãi mãi. Lời của Ngài là mãi mãi. Và chúng ta có thể sống mãi mãi khi chúng ta biết Đức Chúa Trời và tin cậy nơi Chúa Giê-xu, Đấng đã chết vì tội lỗi của chúng ta, sống bây giờ và cho đến mãi mãi. (Trên bảng viết, “Chúng ta có thể sống mãi mãi.”)

Lý do mà chúng ta có thể sống mãi mãi khi tin cậy vào Chúa Giê-xu là vì Chúa Giê-su vẫn còn mãi mãi! Trong Khải Huyền 22:13, Chúa Giê-su nói, “Ta là An-pha và Ô-mê-ga, là Đầu tiên và Cuối cùng, Khởi đầu và Kết thúc.” Alpha và Omega là những chữ cái đầu tiên và cuối cùng trong bảng chữ cái Hy Lạp. Giống như A và Z. Ba lần liên tiếp trong câu này, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng Ngài là mãi mãi. Khi chúng ta tin rằng Chúa Giê-xu đã chết vì tội lỗi của chúng ta, rồi sống lại và sẽ sống mãi mãi, thì chúng ta cũng sẽ sống mãi mãi! Và đó là một lời hứa. Và chúng ta biết El Olam, Đức Chúa Trời Vĩnh Hằng, Hằng Hữu, sẽ luôn giữ lời hứa của mình!

 Thủ công: đồng hồ giấy “Đức Chúa Trời Vĩnh hằng”


Thứ Năm, 3 tháng 3, 2022

ĐẤNG THẦN LINH

 Bài học: ĐẤNG THẦN LINH

Câu gốc: “Đức Chúa Trời là thần, nên ai thờ lạy Ngài thì phải lấy tâm thần và lẽ thật mà thờ lạy.” Giăng 4:24

“Chẳng hề ai thấy Đức Chúa Trời; chỉ Con một ở trong lòng Cha, là Đấng đã giải bày Cha cho chúng ta biết.” Giăng 1:18

Vui học câu gốc:

Xếp hình câu gốc (viết các chữ của câu gốc trên những mảnh xếp hình, có thể làm 2 hoặc nhiều bộ để các em cùng xếp, khi xếp thì đọc to câu Kinh Thánh).

Kẹp phơi đồ: chuẩn bị những kẹp phơi đồ, viết các chữ của câu gốc trên những mảnh giấy nhỏ, cho các em kẹp theo thứ tự các mảnh giấy đó trên sợi dây, khi phơi thì đọc to câu Kinh Thánh.

Ôn bài tuần trước:

Chào mừng các em thiếu nhi đến với lớp học Kinh Thánh Trường Chúa nhật. (Giáo viên chào đón các em, xếp chỗ, lấy ghế cho em ngồi, tặng hình dán hoặc đánh dấu tên các em vào bảng điểm danh.) Các em đã được học gì về Đức Chúa Trời trong tuần trước? (Đức Chúa Trời Ba ngôi). Hôm nay chúng ta sẽ học về Đức Chúa Trời là Đấng Thần Linh.

Câu chuyện Kinh Thánh: Chúa Jêsus trò chuyện cùng người phụ nữ Sa-ma-ri (Giăng 4:1-42)

Trọng tâm: Nhấn mạnh vào cuộc trò chuyện của Chúa Jêsus về sự thờ phượng Đức Chúa Trời, là Đấng Thần Linh.

Đấng Thần Linh là gì?

Em nào có thể nói cho cô biết Đấng Thần Linh là gì không? (Cho các em đưa tay phát biểu theo ý em suy nghĩ, chẳng hạn như: vô hình, không thấy được, như ma….)

Giăng 4:1-42 ghi lại câu chuyện Chúa Jêsus trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri. Người phụ nữ này quan tâm muốn biết đâu là nơi để thờ phượng Đức Chúa Trời đúng đắn: Tại núi Ga-ri-xim thuộc Sa-ma-ri? hay tại Giê-ru-sa-lem?

Người Sa-ma-ri thì tin rằng núi Ga-ri-xim là nơi thiêng liêng nhất thế giới, dâng tế lễ và cầu nguyện tại đây thì sẽ đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Còn người Do Thái lại bảo rằng Giê-ru-sa-lem mới là vùng đất thánh.

Vậy thì, phải thờ phượng Chúa nơi nào mới đúng?

Chúa Jêsus đã trả lời: Cô chẳng cần đi tìm một nơi thiêng để gặp Đức Chúa Trời, không phải tại Ga-ri-xim cũng không phải tại Si-ôn (Giê-ru-sa-lem). Sự thờ phượng thật là có thể thưa chuyện với Chúa ở bất cứ nơi nào. Vì Đức Chúa Trời là Thần. Đấng Thần Linh không có thân thể vật lý như con người và cũng không bị vật chất hạn chế. Đấng Thần linh không bị ràng buộc bởi nơi chốn.

“Ðức Chúa Trời là Ðấng dựng nên vũ trụ và mọi vật trong đó. Vì Ngài là Ðấng chủ tể của trời và đất, Ngài không ngự trong các đền thờ do tay loài người làm nên” Công vụ 17:24

Đức Chúa Trời là Thần Linh không bị giới hạn trong thân xác, không trở nên già nua, không hư tàn như mọi vật. Ngài không có hình dạng để chúng ta có thể thấy được. “Chưa có ai thấy Ðức Chúa Trời bao giờ, ngoại trừ Con Một của Ðức Chúa Trời, Ðấng ở trong lòng Ðức Chúa Cha; Ngài đã bày tỏ cho chúng ta biết về Ðức Chúa Cha” Giăng 1:18

Vậy, tại sao nhiều chỗ trong Kinh Thánh nói về Đức Chúa Trời có mặt, mắt, tay chân? (Cho các em mở Kinh Thánh và tìm đọc: Thi thiên 27:8; 90:4; 98:1; 99:5; 8:3; Ê-sai 53:1)

Các trước giả Kinh Thánh đã nói theo cách con người, theo lối “nhân hình hóa” để chúng ta có thể mường tượng về Ngài. Đây là cách nói theo nghĩa bóng, chúng ta không thể hiểu mặt, mắt, tay Đức Chúa Trời theo nghĩa đen, vì chính Đức Chúa Jêsus đã nói rằng: “Thần Linh” là không có thịt xương. (Luca 24:39)

Thị cụ: Chúa Jêsus trò chuyện cùng người phụ nữ Samari

Cách làm: In hình mẫu trên giấy bìa. Tô màu và cắt rồi từng hình. Gấp hình phông nền cây cối theo đường kẻ chấm. Dán hình lục giác vào mảnh cây để lắp ghép khung cảnh. Dán hình lạc đà ở phía sau. Dán hình cái giếng phía trước lạc đà. Cuối cùng dán hình người phụ nữ Sa-ma-ri ở bên trái cảnh và hình Chúa Giê-su ở bên phải cảnh.

Câu hỏi:

Ai đã trò chuyện cùng Đức Chúa Jêsus?

Chúa Jêsus nói gì với người phụ nữ bên giếng?

Người phụ nữ này ngạc nhiên về điều gì?

Chúa Jêsus nói rằng Ngài sẽ cho bà điều gì?

trong cuộc trò chuyện, người phụ nữ quan tâm về điều gì?

Chúa Jêsus dạy gì về sự thờ phượng?

Người phụ nữ Samari đã kể cho ai nghe về Chúa Jêsus?

Em có thể kể cho ai nghe về Chúa Jêsus?

Em học được gì về Chúa trong bài học hôm nay?

Trò chơi luyện tập nhớ Kinh Thánh:

Tân ước hay Cựu ước?

Yêu cầu tất cả các em đứng thành một hàng ở giữa phòng. Dùng phấn để vẽ cuốn Kinh Thánh trên nền nhà, một bên ghi Tân Ước, một bên ghi Cựu ước.

Giải thích rằng bạn sắp đọc một tên sách Kinh thánh và nếu sách bạn đọc là trong Cựu ước thì các em sẽ nhảy qua bên trái còn nếu đó là trong Tân Ước, thì các em phải nhảy qua bên phải.

Nếu thiếu nhi lớn hơn, hãy thách thức các em bằng cách đọc những cái tên không nằm trong Kinh thánh và yêu cầu các em ngồi xuống khi nghe những tên đó.

Đây là một video ví dụ về trò chơi này.

https://www.youtube.com/watch?v=RD3ONMXfWU0

Trước và sau?

Có thể phát cho mỗi em một cuốn Kinh Thánh nếu các em chưa thuộc mục lục Kinh Thánh.

Giáo viên đọc lên 1 tên sách trong Kinh Thánh, thì các em phải đáp lại cả tên sách phía trước và phía sau sách đó.

Ví dụ: Giáo viên kêu: Giô-suê. Các em phải đáp: Phục truyền luật lệ ký – Giô-suê – Các quan xét.

Thủ công:

Tô màu tranh: Chúa Jêsus trò chuyện cùng người phụ nữ Samari

Bài tập: tìm hình ẩn trong bức tranh

Dẫn đường người phụ nữ đến cùng Chúa Jêsus bên giếng

 














Thứ Sáu, 25 tháng 2, 2022

ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

 Bài học: ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI

Câu gốc: “Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, 20 và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Math 28:19-20

Câu chuyện Kinh Thánh: Chúa Jêsus chịu phép báp tem

Thị cụ: dùng hình ảnh, thị cụ minh họa để chia sẻ cho các em về lẽ đạo Ba ngôi.

Câu đố vui đầu giờ:

1+1+1=?

Em có thể kể những con số 3 trong Kinh Thánh không?

(Nô-ê có 3 con trai, Giô-na trong bụng cá 3 ngày 3 đêm, 3 món quà của nhà thông thái, Phi-e-rơ chối Chúa 3 lần…)

ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ MỘT MÀ THÔI :

Ngài là Chân thần độc nhất, ngoài Ngài ra chỉ có tà thần là ma quỉ và những thần hữu danh vô thực do người ta tạo ra (I Côr 8:4-5).

Phục truyền 4:35: “… để nhìn biết rằng Giêhôva ấy là Đức Chúa Trời, chớ không ai khác hơn Ngài”.

Phục truyền 6:4: ” Giêhôva Đức Chúa Trời chúng ta là Giêhôva có một không hai”.

Êsai43:10: “… hầu cho các ngươi được biết và tin ta, và hiểu rằng ta là Chúa! Chẳng có Đức Chúa Trời nào tạo thành trước ta, và cũng chẳng có sau ta nữa”.

Êsai44:6: “Ta là đầu tiên và cuối cùng ; ngoài ta không có Đức Chúa Trời nào khác”.

Giăng 17:3: “Vả, sự sống đời đời là nhìn biết Cha, tức là Đức Chúa Trời có một và thật”.

I Côrinh tô 8:6: “Về phần chúng ta, chỉ có một Đức Chúa Trời mà thôi”.

I Timôthê 2:5: “Chỉ có một Đức Chúa Trời”.

Kinh thánh cho biết Đức Chúa Trời hiện hữu trong ba thân vị hay gọi là Ba ngôi.

Các chữ Ba ngôi hay Đức Chúa Trời Ba ngôi không thấy trong Kinh thánh.

NỀN TẢNG CỦA GIÁO LÝ BA NGÔI :

1. Lễ Báp têm của Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 3:13,17 chúng ta thấy Ba ngôi hành động : Đức Chúa Trời là Cha phán từ trời : "Nầy là con yêu dấu của Ta, đẹp lòng Ta mọi đường". Đức Chúa Trời là Con : Chúa Jêsus chịu phép Báp têm, Đức Chúa Trời là Thánh linh : ngự xuống như chim bồ câu đậu trên Chúa Jêsus.

2. Công thức Báp têm ở Ma-thi-ơ 28:19 "Nhân Danh Đức Cha, Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh làm phép Báp têm cho họ."

3. Lời chúc phước trong II Cô-rinh-tô 13:14 "Nguyền xin ân điển của Chúa Jêsus Christ, tình yêu thương của Đức Chúa Trời và sự thông công của Thánh Linh ở cùng anh em tất cả. Amen."

4. Trong sự sáng tạo loài người Kinh thánh dùng số nhiều. Sáng 1:26 "Chúng ta hãy làm nên loài người như hình chúng ta và theo tượng chúng ta...."

BA NGÔI HÀNH ĐỘNG HỢP NHẤT:

1. Trong sự sáng tạo: Đức Chúa Trời là Cha phán Sáng 1:3 "phải có sự sáng....". Đức Con là lời phán Giăng 1:1 "Ban đầu có lời..." Đức Thánh Linh trên mặt nước. Sáng 1:2; Gióp 26:12, 13.

2. Trong sự nhập thể: Đức Cha ban Con một Ngài, Giăng 3:16. Đức Con được sanh ra trong thế gian Lu-ca 2:1. Đức Thánh Linh khiến Ma-ri mang thai Lu-ca 1:35.

3. Trong sự cứu chuộc: Đức Cha chấp nhận tự hy sinh trên thập tự giá Hê-bơ-rơ 9:14, Đức Con dâng mình làm của lễ đền tội Hê-bơ-rơ 9:14. Đức Thánh Linh - Chúa Jêsus dâng mình qua Linh đời đời Hê-bơ-rơ 9:14.

4. Trong sự cứu rỗi: Đức Cha tiếp nhận đứa con hoang trở về Lu-ca 15:22, Đức Cha hoan nghinh tội nhân, tha tội, cung ứng áo vòng và mở tiệc. Đức Con là người chăn đi tìm chiên lạc Lu-ca 15:14, Đức Thánh Linh đống ấn những tấm lòng tín hữu ăn năn. Ê-phê-sô 1:15.

5. Trong sự thông công: Đức Cha mời gọi chúng ta đến thông công với Ngài Ê-phê-sô 2:18. Đức Con là Đấng giải hòa II Cô-rinh-tô 5:19.Đức Thánh Linh là hiệu lực cho sự tương giao hiệp nhất này. Ê-phê-sô 2:18.

6. Trong sự cầu nguyện: Đức Cha là Đấng tiếp nhận lời cầu xin. Giăng 16:23. Đức Thánh Linh hướng dẫn chúng ta cầu xin. Rôm 8:26.

7. Trong sự vinh hiển: Đức Cha cuối cùng sẽ tiếp nhận nước ngàn năm, I Cô-rinh-tô 15:24.Đức Con sẽ khiến thân thể hèn mạt chúng ta nên giống như Ngài Phi-líp 3:21. Đức Thánh Linh đưa ra lời mời gọi Khải 22:17.

8. Trong sự tái sanh: Đức Chúa Trời ghi Danh mới trong vinh hiển. Lu-ca 10:20. Đức Con tẩy sạch tội lỗi bằng huyết báu Ngài. Ê-phê-sô 1:7. Đức Thánh Linh thực hiện phép tái tạo tội nhân trong sự tái sinh Giăng 3:3-6.

Chúng ta không nên bối rối khi không thể hiểu giáo lý khó hiểu này. ' Người cố gắng hiểu trọn vẹn giáo lý Ba ngôi sẽ mất trí, nhưng người chối bỏ giáo lý Ba ngôi sẽ mất linh hồn ' [Lindsell và Woodbright]. Đây là sự mầu nhiệm và sẽ vẫn là mầu nhiệm cho đến khi chúng ta gặp Chúa trong sự vinh hiển. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta không thể tin được, chúng ta phải tin.

Quả thật, Đức Chúa Trời có Ba Ngôi hiệp một. CHA là Đức Chúa Trời, CON là Đức Chúa Trời, LINH là Đức Chúa Trời. Ba ngôi riêng biệt và hoàn toàn bình đẳng. CHA không phải là CON, CON không phải là LINH, LINH không phải là CHA.

Chúng ta rất khó tìm một điều gì trong đời này để làm ví dụ soi sáng cho chân lý kì diệu về Đức Chúa Trời Ba Ngôi hiệp một.

Tuy nhiên, chúng ta không thể nào hiểu Đức Chúa Trời theo lý trí của chúng ta, vì Ngài là Đấng vô hạn, còn chúng ta là loài người hữu hạn; Ngài là Linh, còn chúng ta là xác thịt. Vũ trụ là một vật Chúa đã làm nên, mà nhân loại chỉ khám phá được một phần nhỏ chưa hiểu được bao nhiêu, phương chi muốn hiểu Đấng làm nên vũ trụ. Giữa Chúa là Đấng Tạo hóa với chúng ta là loài thọ tạo, cao với thấp khác nhau như trời với vực. Chúng ta chỉ hiểu Ngài đủ để được cứu chuộc qua những gì Ngài đã khải thị với chúng ta. Nếu chúng ta hiểu được Đức Chúa Trời như hiểu được một người, thì Ngài không còn là Đức Chúa Trời nữa. Vì Ngài cao siêu, kì diệu, vượt qua trí hiểu của chúng ta như thế, nên mới đáng cho chúng ta cúi đầu, sấp mình thờ lạy và tận hiến đời mình cho Ngài.

Câu hỏi: (thiếu nhi lớn)

1. Ma-thi-ơ 3:13,17 chứng minh lẽ đạo Ba ngôi thế nào?

2. Đưa ra các câu kinh thánh chứng minh giáo lý Ba ngôi.

3. Lời ám chỉ đầu tiên về giáo lý Ba ngôi trong Kinh Thánh ở đâu?

5. Trong sự sáng tạo Ba ngôi hành động ra sao?

6. Trong sự chuộc tội Ba ngôi hành động ra sao?

7. Trong sự cứu rỗi Ba ngôi hành động ra sao?

8. Trong sự cầu nguyện Ba ngôi hành động ra sao?

9. Trong sự tái sanh Ba ngôi hành động ra sao?

10. Tại sao ta không thể hiểu hết giáo lý Ba ngôi?

Bài Tín Điều Các Sứ Đồ:

Tôi tin Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha, là Đấng dựng nên trời đất.

Tôi tin Giê-xu Christ là Con Độc Sinh của Đức Chúa Trời và Chúa chúng ta. Ngài được thai dựng bởi Thánh Linh, sinh bởi nữ đồng trinh Ma-ri, chịu thương khó dưới tay Bôn-xơ Phi-lát, bị đóng đinh trên thập tự giá, chịu chết và chôn. Ngài xuống âm phủ, đến ngày thứ ba, Ngài từ kẻ chết sống lại. Ngài thăng thiên, ngồi bên hữu Đức Chúa Trời Toàn Năng là Cha. Từ đó Ngài sẽ trở lại để đoán xét kẻ sống và kẻ chết.

Tôi tin Thánh Linh.

Tôi tin hội thánh phổ thông, sự cảm thông của thánh đồ, sự tha tội, sự sống lại của thân thể và sự sống đời đời.

Hướng dẫn: In cho mỗi em một bản Tín điều các sứ đồ. Phát cho các em bút chì màu, khi các em đọc bài Tín điều, thì bảo các em tô màu để phân biệt giữa 3 phần của Ba ngôi Đức Chúa Trời, ghi chú vào từng phần: Đức Cha, Đức Con và Đức Thánh Linh.

Bài hát: 123 em yêu Chúa Cha, 123 em yêu Chúa Con, 123 em yêu Thánh Linh, 123 em yêu Đức Chúa Trời.

Bài tập: Điền vào chỗ trống:

1.       Đức Chúa Trời có ………….Ngôi

2.       Ngôi thứ nhất trong Ba ngôi Đức Chúa Trời là ……….

3.       Ngôi thứ hai trong Ba ngôi Đức Chúa Trời là ……….

4.       Ngôi thứ ba trong Ba ngôi Đức Chúa Trời là ……….

5.       Cả Ba ngôi Đức Chúa Trời đều………..

6.       Hoàn thành biểu đồ Đức Chúa Trời Ba ngôi.

7.       Kể 1 điều em biết về Đức Chúa Cha

8.       Kể 1 điều em biết về Đức Chúa Con (Chúa Jêsus)

9.       Kể 1 điều em biết về Đức Thánh Linh

Thủ công: tam giác Đức Chúa Trời Ba ngôi

Chuẩn bị: mỗi em 3 que gỗ, bút lông, bút màu, sợi dây, giấy bìa.

Thực hiện: cho các em tô màu và viết tên của Ba ngôi Đức Chúa Trời trên 3 que gỗ, dùng keo đính 3 que lại thành hình tam giác, cột dây treo (như hình mẫu)