Khải tượng

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Anh Em Sinh Đôi

Anh Em Sinh Đôi

Chủ Đề Bài Học: Được Phước Khi Làm Con Của Chúa

Câu Kinh Thánh Chủ Đề: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống”. (Gia-cơ 1:17a - BTT)

Câu Chuyện Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 25:19-34; 27:32-33

Ông Gia-cốp và ông Ê-sau là anh em sinh đôi, nhưng họ hoàn toàn trái ngược nhau. Một ngày nọ, ông Ê-sau bán quyền trưởng nam của mình cho ông Gia-cốp, còn ông Gia-cốp thì dùng mưu kế để cướp phước lành của anh mình, và hai anh em đã trở thành kẻ thù của nhau.

Ông Gia-cốp đã lừa gạt cha để cướp phước lành của anh mình là Ê-sau, còn ông Ê-sau đã đánh mất quyền trưởng nam của mình chỉ vì một tô súp. Chắc ông Ê-sau buồn lắm. Chúng ta không muốn buồn như ông Ê-sau, hoặc phải lừa gạt như ông Gia-cốp để có được ơn phước của Chúa. Vì khi chúng ta tin Chúa Giê-xu thì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mọi ơn phước.

Hoạt Động: Đổ Cho Đầy

Khám phá câu chuyện Kinh Thánh qua trò chơi “Đổ Cho Đầy”.

Chuẩn bị: Bốn cái tô/bát lớn. •Hạt đậu/đỗ hoặc hạt bắp/ngô .•Một cái muỗng/thìa lớn. •Một cái muỗng/thìa nhỏ -Đổ đầy hạt đậu/đỗ hoặc hạt bắp/ngô vào 2 tô/bát lớn.

Chúng ta không có món súp giống như ông Gia-cốp đã nấu, nhưng trong trò chơi hôm nay chúng ta có rất nhiều đậu. Chúng ta cùng xem nhóm nào có thể đổ đầy đậu vào cái tô của mình trước nhé!
Chia lớp làm 2 nhóm. Cho các nhóm xếp thành 2 hàng dọc, cách nhau 1 mét. Đặt 2 cái tô rỗng cách 2 nhóm khoảng 3-4 mét. Phát mỗi nhóm 1 cái muỗng và bắt đầu trò chơi. Các em sẽ thay phiên nhau dùng muỗng để chuyển những hạt đậu từ tô này đến tô kia (1). Sau khi chuyển đậu,các em quay về, đưa muỗng cho bạn ở đầu hàng và chạy nhanh xuống cuối hàng để chờ đến lượt chuyển tiếp theo (2). Nhóm nào chuyển hết đậu xong trước sẽ thắng. Nếu các em nhận ra kích cỡ muỗng có sự khác biệt thì hãy nói rằng đó là cách chơi của trò này. Nếu các em không chú ý thì đừng chỉ ra sự khác biệt đó cho đến khi kết thúc trò chơi. Nếu còn thời gian, hãy cho các nhóm đổi muỗng để chơi vòng tiếp theo

(Hỏi các em bên nhóm sử dụng muỗng nhỏ) Các em cảm thấy thế nào khi thua trò chơi này? (Một bên muỗng lớn, một bên muỗng nhỏ).

Thầy/Cô nghĩ rằng tất cả chúng ta đã có những lúc bị đối xử không công bằng. Chúng ta sẽ học kỹ hơn về điều này trong các phần tiếp theo của bài học hôm nay

Liên hệ bài học | Thừa Kế Phước Hạnh

Trong đời sống chúng ta, có những điều thấy được, có những điều chưa thấy được. Có những điều tạm thời, chóng qua, cũng có những điều lâu bền, còn mãi. Trong câu chuyện giữa hai anh em Ê-sau và Gia-cốp, điều nào thấy được? Điều nào chưa thấy được? (Học viên trả lời)

Quyền trưởng nam là điều chưa thấy được. Còn tô canh (tô súp) đậu thì thấy ngay trước mắt. Trưởng nam là con trai trưởng, là người sẽ đứng đầu gia đình và sẽ được chia cho nhiều tài sản hơn. Ông Ê-sau coi thường điều chưa thấy được là quyền trưởng nam. Ông đã đổi quyền trưởng nam để lấy một tô canh (tô súp) đậu và mấy miếng bánh.

Là người của Chúa, chúng ta được thừa hưởng nhiều phước hạnh, được làm con của Chúa, được ban cho quyền để thắng hơn tội lỗi, có niềm vui khi vâng theo lời Chúa, hưởng được những lời hứa của Chúa... Thế nhưng chúng ta không chú ý, không quý trọng những điều đó, hoặc đổi những điều đó để có được những điều trước mắt như tiền bạc, đồ chơi, quần áo mới, điểm cao, bạn xấu... Đức Chúa Trời vẫn yêu thương chúng ta, Ngài có lời Kinh Thánh nhắc nhở để chúng ta quý trọng và không quên những phước hạnh Ngài ban

Đọc II Cô-rinh-tô 1:20 - BTTHĐ: “Vì trong Ngài, tất cả mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đều là - Có. Do đó, cũng bởi Ngài mà chúng ta đều nói A-men để tôn vinh Đức Chúa Trời”.

Câu Kinh Thánh có ý như thế này: Bất kể bao nhiêu điều Đức Chúa Trời đã hứa, trong Ngài tất cả lời hứa đều được trả lời là “Có”. Vì thế, nhờ Ngài mà chúng ta có thể nói “A-men” và dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời.

“Ngài” trong câu Kinh Thánh là ai? Là Chúa Giê-xu. “Trong Ngài” nghĩa là gì? Nghĩa là trong Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã đổ huyết ra trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta, ban cho chúng ta quyền làm con của Ngài. Trong Ngài chúng ta được cứu, được hưởng mọi ơn phước thuộc linh (được cứu rỗi, được tha thứ, được bình an...) và những ơn phước thuộc thể (được đi học, có người thân yêu thương, được chăm sóc...)

Áp Dụng Thực Tiễn

Qua bài học về ông Gia-cốp và ông Ê-sau, Thầy/Cô muốn các em suy nghĩ và nhớ lại những ơn phước mình đã được nhận khi làm con của Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Cha Thiên Thượng, cảm ơn Cha đã yêu chúng con, ban Chúa Giê-xu đến cứu chuộc chúng con, cho chúng con được làm con của Ngài. Xin Chúa cho chúng con trung tín với Ngài, luôn biết ơn Chúa và giữ gìn những ơn phước Chúa ban. Chúng con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men!”.

Thử thách của chúng ta là tiếp tục cầu nguyện và tập thói quen đếm những ơn phước Chúa ban, đồng thời cảm tạ Ngài không thôi vì những điều đó.

Chủ Nhật, 15 tháng 10, 2023

Đức Chúa Trời Thử Thách Áp-ra-ham -Phần 2

 Bài học: Đức Chúa Trời Thử Thách Áp-ra-ham

Chủ Đề Bài Học: Chúa Yêu Thương Và Ban Chính Ngài Cho Em.

Câu Kinh Thánh Chủ Đề: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”. (Giăng 3:16 - BTTHĐ)

Yêu cầu các em lật Kinh Thánh tìm Giăng 3:16 - BTTHĐ. Cho các em nữ đọc phần đầu của Câu Kinh Thánh Chủ Đề: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài”. Các em nam sẽ đọc phần còn lại của Câu Kinh Thánh Chủ Đề: “Hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời”

Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn về câu Kinh Thánh này nhé! Câu Kinh Thánh Giăng 3:16 có mấy phần? (Đọc câu Kinh Thánh) - Phần thứ nhất: “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian. - Phần thứ hai: Đến nỗi đã ban Con Một của Ngài. - Phần thứ ba: Hầu cho hễ ai tin Con ấy. - Phần thứ tư: Không bị hư mất. - Phần thứ năm: Mà được sự sống đời đời”.

Câu Kinh Thánh Giăng 3:16 có 5 phần. Phần nào của Đức Chúa Trời? Phần nào của em?

PHẦN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

PHẦN CỦA EM

- Đức Chúa Trời yêu thương em.

- Đức Chúa Trời ban Chúa Giê-xu cho em.

 - Đức Chúa Trời khiến em không bị hư mất.

- Đức Chúa Trời ban cho em sự sống đời đời.

- Em tin Chúa Giê-xu.

Điều nào câu Kinh Thánh Giăng 3:16 đã được thực hiện?

• Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, trong đó có em. Điều này đã thực hiện chưa?

• Đức Chúa Trời ban Chúa Giê-xu cho thế gian, trong đó có em. Điều này đã thực hiện chưa?

 • Hầu cho hễ ai tin Con ấy. Em tin Chúa Giê-xu. Điều này đã thực hiện chưa?

• Đức Chúa Trời khiến em không bị hư mất. Điều này đã thực hiện chưa? (Đức Chúa Trời chỉ thực hiện điều này khi em tin Chúa Giê-xu).

• Đức Chúa Trời ban cho em sự sống đời đời. Điều này thực hiện chưa? (Đức Chúa Trời chỉ thực hiện điều này khi em tin Chúa Giê-xu).

• Em đã tin Chúa Giê-xu chưa?

 • Em nào đã tin Chúa Giê-xu thì cần cảm ơn Đức Chúa Trời, cảm ơn Chúa Giê-xu.

• Em nào chưa tin Chúa Giê-xu thì cần quyết định tin Chúa ngay hôm nay. (Mời các em muốn tin Chúa lên cầu nguyện).

Cả lớp hãy nhìn lên bảng và đọc lớn tiếng câu Kinh Thánh này cùng nhau nhé!

Câu chuyện Kinh Thánh:

Chúng ta đã học về ông Áp-ra-ham hoàn toàn vâng phục Đức Chúa Trời khi ông đối diện với thử thách hết sức khó khăn!

• Em nào còn nhớ đó là thử thách gì? Chúa đã hứa với ông Áp-ra-ham điều gì khi ông vượt qua thử thách?

• Các em có thấy mình hạnh phúc không? Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta đến nỗi ban Chúa Giê-xu xuống thế gian, chịu chết vì tội lỗi của chúng ta! Đức Chúa Trời đem cho chúng ta món quà là sự cứu rỗi đời đời. Hãy cùng nhau đọc Câu Kinh Thánh Chủ Đề một lần nữa! (Các em lặp lại Câu Kinh Thánh Chủ Đề).

Y-sác được sinh ra khi ông Áp-ra-ham đã 100 tuổi, còn vợ ông - bà Sa-ra - đã hơn 90 tuổi. Đây là một phép lạ của Đức Chúa Trời! Hãy cùng tìm hiểu xem câu chuyện về ông Áp-ra-ham và Y-sác có gì tương đồng với sự Giáng Sinh và sự chết của Chúa Giê-xu nhé!

1.       Y-sác là đứa con của lời hứa, Chúa Giê-xu cũng sinh ra theo lời hứa. Trước khi sinh Y-sác, ông Áp-ra-ham đã gần 100 tuổi, còn bà Sa-ra đã 90 tuổi (Sáng Thế Ký 17:17 - BTTHĐ). Đức Chúa Trời hứa với ông Áp-ra-ham: “Sa-ra, vợ của con sẽ sinh cho con một trai, và con sẽ đặt tên nó là Y-sác” (Sáng Thế Ký 17:19 - BTTHĐ). Sau đó, Đức Chúa Trời lại phán cùng ông Áp-ra-ham: “Có điều gì quá khó cho Đức Giê-hô-va không? Đến kỳ đã định, năm sau Ta sẽ trở lại với con, và Sa-ra sẽ có một con trai” (Sáng Thế Ký 18:14 - BTTHĐ).

Trước khi Chúa Giê-xu sinh ra, Đức Chúa Trời có lời hứa qua các tiên tri. Tiên tri Ê-sai viết: “Chính Chúa sẽ ban cho các ngươi một dấu lạ: Nầy, một trinh nữ sẽ mang thai, sinh một con trai và đặt tên là Em-ma-nu-ên” (Ê-sai 7:14 - BTTHĐ).

Tiên tri Mi-chê viết: “Hỡi Bết-lê-hem Ép-ra-ta, ngươi ở trong hàng nghìn Giu-đa là nhỏ lắm, nhưng từ nơi ngươi, một Đấng cai trị trên Y-sơ-ra-ên sẽ được sinh ra; Nguồn gốc của Ngài từ đời xưa, từ trước vô cùng” (Mi-chê 5:1 - BTTHĐ).


2. Y-sác là món quà Đức Chúa Trời ban tặng cho ông Áp-ra-ham và bà Sa-ra. Qua món quà, tức qua Y-sác, dòng dõi của ông sẽ nhiều như sao trên trời, đông như cát bờ biển.

Chúa Giê-xu là món quà Đức Chúa Trời ban tặng cho mọi người trên thế gian. “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Ngài” (Giăng 3:16 - BTTHĐ). Qua Chúa Giê-xu, những người tin Ngài trở thành con cái của Đức Chúa Trời.

3.      3.  Y-sác là con rất yêu quý được ông Áp-ra-ham dâng lên làm của lễ cho Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời xác nhận điều đó khi Ngài phán với ông Áp-ra-ham: “Vì con đã làm điều nầy, không tiếc con mình, dù là đứa con duy nhất của con…” (Sáng Thế Ký 22:16 - BTTHĐ).

Chúa Giê-xu là “Con Một ở trong lòng Cha”. Đức Chúa Trời đã không tiếc chính Con mình, tức là Chúa Giê-xu nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy (Rô-ma 8:32 - BTTHĐ).

Chúa Giê-xu là của lễ được dâng lên để cứu chuộc toàn thể loài người.

4. Y-sác cùng ông Áp-ra-ham đi đến núi Mô-ri-a. Y-sác đã vâng phục cha mình hoàn toàn. Về sau, núi Mô-ri-a là nơi xây dựng thành phố và đền thờ Giê-ru-sa-lem. 

Chúa Giê-xu vâng theo ý Cha đi lên thành Giê-ru-sa-lem. Tại đó Ngài chịu thương khó, chịu chết trên cây thập tự.

5. Ông Áp-ra-ham gọi nơi đó là “Giê-hô-va Di-rê”, nghĩa là “Đức Giê-hô-va sắm sẵn” tại đó (Sáng Thế Ký 22:14 - BTTHĐ). Đức Chúa Trời đã sắm sẵn một con chiên làm của lễ thay cho Y-sác.

Ngày nay Đức Chúa Trời cũng sắm sẵn Chúa Giê-xu, là Chiên Con của Đức Chúa Trời cho chúng ta. Ông Giăng Báp-tít khi thấy Chúa Giê-xu đã giới thiệu với môn đồ của mình: “Kìa Chiên Con của Đức Chúa Trời, là Đấng cất tội lỗi của thế gian đi” (Giăng 1:29 - BTT).

Cầu Nguyện “Kính lạy Đức Chúa Trời, con cảm ơn Ngài về tình yêu thương vô điều kiện Ngài đã bày tỏ qua Đức Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu ơi, chúng con tôn vinh Ngài vì Ngài đã sẵn lòng đến thế gian khi chúng con vẫn còn là tội nhân, để chết cho chúng con và ban cho chúng con sự sống đời đời. Xin giúp chúng con hết lòng tin cậy và vâng lời Ngài, đồng thời chúng con sẽ sống cho Ngài và vì Ngài. Con thành kính cầu nguyện. Trong Danh Chúa Giê-xu. Amen!”



Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

SÁCH GIÔ-NA “Tình yêu không thể tránh khỏi” của Đức Chúa Trời - Phần Giới Thiệu

 SÁCH GIÔ-NA

“Tình yêu không thể tránh khỏi” của Đức Chúa Trời

Dịch từ Darlene Schacht

PHẦN GIỚI THIỆU

Lòng dũng cảm không phải lúc nào cũng gầm lên. Đôi khi lòng can đảm là giọng nói trầm lặng vào cuối ngày, nói rằng: “Ngày mai ta sẽ thử lại”. -Mary Anne Radmacher

Nếu bạn đã từng tự nhủ với chính mình như thế, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Câu chuyện của Giô-na là một minh chứng cổ xưa về sức mạnh của những lời thì thầm đó—những lời thì thầm về ân sủng, về cơ hội thứ hai và về tình yêu không gì so sánh được.

Giọng nói thầm lặng của lòng can đảm tìm thấy tiếng vang của nó trong những trang sách này. Đây là người đã khám phá ra rằng, cơ hội thứ hai là cách Chúa mở rộng ân sủng biến đổi của Ngài—một ân sủng chạm đến những góc tối nhất trong tấm lòng chúng ta, ban cho chúng ta những khả năng không thể tưởng tượng được về tình yêu Ngài. Tình yêu của Đức Chúa Trời không chỉ là lời thì thầm thoảng qua như cơn gió; mà đó là tiếng vang kiên cường, vang vọng qua từng chương của cuộc đời chúng ta, mời gọi chúng ta trở về nhà, ngay cả khi chúng ta đã lạc đường.

Câu chuyện của Giô-na cho chúng ta một minh họa sống động về lòng thương xót của Chúa và cuộc đấu tranh của con người với sự vâng phục và lòng trắc ẩn. Vị tiên tri này của Đức Chúa Trời không chỉ là một nhân vật trong câu chuyện cổ, mà còn là tấm gương phản chiếu về những do dự, thành kiến của chúng ta và sức mạnh biến đổi của ân sủng thiêng liêng.

GIÔ-NA LÀ AI?

Giô-na là một nhà tiên tri nhỏ đến từ Gath-hepher, một thị trấn trong vùng Ga-li-lê. Theo nghĩa Kinh thánh, tiên tri nhỏ có nghĩa là tuy các bài viết của ông ngắn hơn nhưng chúng không kém phần quan trọng. Với tư cách là người phát ngôn của Chúa, ông đóng vai trò là người dẫn đường, để chuyển tải các thông điệp thiêng liêng từ Thượng Đế, nhằm hướng dẫn, cảnh báo hoặc an ủi mọi người. Tuy nhiên, Giô-na cũng bất chấp vai trò truyền thống này, ông công khai vật lộn với cái giá phải trả cho sự vâng lời. Ngoài sách Giô-na, chúng ta còn biết được từ 2 Các Vua 14:23-25 rằng ông là một nhà tiên tri ở vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc dưới triều đại của Giê-rô-bô-am II. Ở đó, ông tiên đoán về sự mở rộng lãnh thổ của Israel - và lời tiên tri đã ứng nghiệm, nhấn mạnh rằng ân tứ tiên tri của ông được công nhận. Mặc dù ông là một sứ giả đáng tin cậy, truyền đạt những điều mặc khải thiêng liêng, tuy vậy ông phải đấu tranh với sự vâng lời, thể hiện tính nhân văn và sự phức tạp trong tính cách của ông.

TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ

Mặc dù quyền tác giả và thời điểm chính xác của cuốn sách này vẫn là chủ đề đang được tranh luận, nhưng người ta thường cho rằng, nó được viết từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, trong thời kỳ Đế chế Assyria, một chế độ khét tiếng vì sự tàn ác của nó.

Bối cảnh lịch sử này tăng thêm phức tạp cho việc Giô-na miễn cưỡng rao giảng cho người dân ở Nineveh, thủ đô của người Assyria. Cuốn sách thách thức chúng ta đương đầu với những thành kiến và nỗi sợ hãi của chính mình, đặc biệt khi chúng ta được kêu gọi mở rộng tình yêu của Chúa cho những người mà chúng ta muốn tránh xa hoặc lên án. Cuộc hành trình của Giô-na—về mặt thể chất, tình cảm và tâm linh—là một bài học vượt thời gian về lòng thương xót vô biên của Chúa và cách Ngài sử dụng ngay cả những khuyết điểm và sai lầm của chúng ta để hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó.

SỰ KHÔN NGOAN CHO THỜI ĐẠI NÀY

Trọng tâm của Sách Giô-na là một số chủ đề đan xen với nhiều bài học vượt thời gian. Trước hết, nó đề cập đến lòng thương xót bao la của Đức Chúa Trời, đến cả những người mà chúng ta có thể coi là kẻ thù. Ngoài ra, nó còn đề cập đến sự bất tuân của con người, cuộc đấu tranh của chúng ta với thành kiến và sức mạnh biến đổi của sự ăn năn. Câu chuyện thúc đẩy chúng ta phải vật lộn với những câu hỏi lớn hơn về lòng trắc ẩn của Thượng Đế, giới hạn của con người và khả năng cứu chuộc, biến đổi từ Ngài.

Sách Giô-na đưa ra những bài học quan trọng cho phụ nữ ngày nay. Khi chúng ta đang bối rối giữa sự kỳ vọng và niềm tin cá nhân, câu chuyện Giô-na nhắc nhở chúng ta suy ngẫm về những thành kiến của chính mình, cả thành kiến tinh vi lẫn thành kiến công khai. Có những người hoặc tình huống nào chúng ta đang tránh né vì thành kiến hay sợ hãi không? Có lời kêu gọi gia tăng ân sủng nào mà chúng ta đang phớt lờ không?

Trong sự phức tạp của cuộc sống hiện đại—nơi chúng ta phải đảm nhận các vai trò vừa làm mẹ, vừa là con gái, là chuyên gia và là thành viên trong cộng đồng—câu chuyện Giô-na dạy chúng ta rằng sự bất toàn của chúng ta không loại chúng ta khỏi kế hoạch của Chúa. Đúng hơn, chính nhờ những thiếu sót và thử thách của chúng ta mà Ngài uốn nắn chúng ta thành những chiếc bình đựng ân sủng và tình yêu vô biên của Ngài.

NHƯNG TRƯỚC HẾT, HÃY ĐỌC KINH THÁNH

Trước khi bắt đầu nghiên cứu sách Giô-na, tôi khuyến khích bạn chuẩn bị lòng mình bằng cách tìm hiểu một số câu Kinh Thánh cơ bản. Những đoạn này giúp soi sáng chủ đề về tình yêu và ân điển không ngừng nghỉ của Chúa, một chủ đề mà chúng ta sẽ khám phá sâu hơn trong suốt hành trình này. Những đoạn này như những ngọn hải đăng soi sáng, tỏ lộ những khía cạnh của tình yêu và ân sủng vô tận của Thiên Chúa. Mỗi đoạn cho một góc nhìn riêng để hiểu rõ hơn về đặc tính của Chúa—một đặc tính đầy lòng trắc ẩn, tha thứ và không ngừng kéo chúng ta đến gần Ngài hơn.

1.       Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15:1-7) - Giống như Giô-na, câu chuyện này nhấn mạnh việc Chúa không ngừng theo đuổi những kẻ lạc lối

2.       Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32) - Dụ ngôn này chia sẻ các chủ đề về sự nổi loạn, ăn năn và ân điển vô biên của người Cha yêu thương

3.       Ma-thi-ơ 20:1-16 - Dụ ngôn này cho thấy sự khó hiểu của lòng thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời, một lĩnh vực mà Giô-na phải vật lộn để hiểu được nó.

4.       Thi Thiên 139 - Thi Thiên này trình bày một cách tuyệt vời về tình yêu không thể tránh khỏi của Đức Chúa Trời, giống như Giô-na cách đã khám phá ra.

Khi chúng ta suy gẫm sự phức tạp trong câu chuyện của Giô-na, mong sao giọng nói thầm lặng của lòng can đảm đó thì thầm trong lòng chúng ta. Mong ước nó nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta rằng cơ hội thứ hai chỉ là một lời cầu nguyện, và đôi khi lòng dũng cảm là một giọng nói trầm lặng vào cuối ngày nói rằng: “Ngày mai tôi sẽ thử lại”. Trong bối cảnh đó, chúng ta đừng bao giờ quên tình yêu không thể trốn chạy của Chúa đang theo đuổi chúng ta không mệt mỏi—ngay cả khi chúng ta đang chạy theo hướng ngược lại.

***

Thân chào quý cô! Chào mừng bạn đến với chương trình học sách Giô-na. Nếu bạn từng cảm thấy muốn chạy trốn khỏi một vấn đề nào đó, hoặc nghi ngờ về sự công bình của ân sủng Chúa – hãy nhớ rằng, không phải chỉ một mình cảm giác như thế. Cuộc hành trình của Giô-na là cuộc hành trình mà tất cả chúng ta đều có thể đồng cảm theo cách nào đó. Đó là lời mời khám phá bản tánh Đức Chúa Trời, là Đấng không ngừng theo đuổi, là Người Cha tha thứ, là Đấng ban cho cách rộng lượng và là Người bạn đồng hành khắp nơi.

Trước khi chúng ta đi sâu vào những trải nghiệm của Giô-na—và có thể khám phá ra một số suy nghĩ của chính chúng ta trong câu chuyện—tôi khuyến khích bạn dành chút thời gian đọc Kinh Thánh. Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy danh sách các đoạn Kinh Thánh, mỗi đoạn đưa ra một góc nhìn độc đáo về Chúa là ai (bạn cũng sẽ tìm thấy điều này trong sách hướng dẫn nghiên cứu). Danh sách này cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao những câu này được chọn và chúng liên quan như thế nào đến câu chuyện về Giô-na. Nền tảng tâm linh này sẽ giúp soi sáng cuộc hành trình của chúng ta qua Giô-na, mở lòng chúng ta đón nhận tính cách đa diện của một Đức Chúa Trời, Đấng không ngừng theo đuổi chúng ta, tha thứ, ban phước cho chúng ta và bước đi bên cạnh chúng ta, bất kể chúng ta ở đâu.

Đức Chúa Trời là Đấng không ngừng theo đuổi: Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15:1-7)

Khi bắt đầu nghiên cứu về Giô-na, chúng ta sẽ thấy rằng việc Chúa theo đuổi Giô-na rất kiên quyết, ngay cả khi ông cố gắng chạy trốn khỏi sự hiện diện của Chúa. Dụ ngôn về con chiên lạc sẽ là một tấm gương phản chiếu sự quyết tâm của Chúa để theo đuổi mỗi người chúng ta khi chúng ta lạc lối.

Đức Chúa Trời là Người Cha Tha thứ: Dụ ngôn Người con hoang đàng (Lc 15:11-32)

Giô-na bỏ chạy, nổi loạn và thậm chí phẫn nộ với lòng thương xót của Chúa đối với Ni-ni-ve. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn là Người Cha tha thứ, cho Giô-na một cơ hội để ăn năn và trưởng thành. Tương tự, việc đứa con hoang đàng trở về với cha mình, chứng tỏ sự tha thứ của Đức Chúa Trời đang chờ đợi chúng ta, dù chúng ta có trôi dạt xa cách cỡ nào.

Đức Chúa Trời là Đấng ban phát rộng rãi: Dụ ngôn người làm vườn nho (Ma-thi-ơ 20:1-16)

Trong câu chuyện về Giô-na, chúng ta nhận thấy ân điển rộng lớn của Chúa dành cho tất cả mọi người—kể cả người dân thành Ni-ni-ve, những người mà Giô-na tin là không xứng đáng. Dụ ngôn trong Ma-thi-ơ 20 giúp chúng ta thấy rõ lòng rộng lượng này, vì ngay cả những người đến vườn nho muộn cũng được khen thưởng. Khi chúng ta khám phá phản ứng của Giô-na trước ân điển của Đức Chúa Trời, dụ ngôn này sẽ thách thức chúng ta đối diện với nhận thức của chính mình: về việc ai là người “xứng đáng” với tình yêu của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Người Bạn Đồng Hành khắp nơi: Thi thiên 139

Khó khăn lắm, Giô-na mới học được rằng: không có nơi nào mà ông có thể đi để trốn khỏi sự hiện diện của Chúa—ngay cả trong bụng con cá lớn dưới đáy đại dương. Thi Thiên 139 củng cố khía cạnh này trong đặc tính của Chúa, nhắc nhở rằng chúng ta luôn ở trong tầm tay của tình yêu, sự chăm sóc và hướng dẫn của Ngài.

KINH THÁNH ĐỌC THÊM TRONG TUẦN:

Ẩn dụ Con Chiên Lạc trong Lu-ca 15:1-7, Dụ ngôn đứa con hoang đàng trong Lu-ca 15:11-32, Dụ ngôn Người làm vườn nho Ma-thi-ơ 20:1-6, Hãy đọc Thi Thiên 139. Nếu bạn muốn ghi chú trong Kinh Thánh, hãy gạch dưới hoặc đánh dấu những câu nào nhắc đến sự hiện diện của Chúa hoặc sự gần gũi của Ngài với bạn. Cho dù đó là những cụm từ như “Ngài ở đó” hay “Ngài bao bọc tôi”, hãy để những lời này nhắc nhở rằng Chúa luôn ở bên bạn.

THỬ THÁCH TUẦN NÀY

Tìm một cuốn sổ tay để ghi Nhật ký 'Những lần nhìn thấy Chúa' của bạn. Mỗi ngày, hãy dành một chút thời gian để viết ra cách bạn đã thấy bản tính của Chúa được bày tỏ trong cuộc sống của bạn, hoặc trong thế giới xung quanh bạn. Đó có thể là: sự theo đuổi không ngừng nghỉ của Chúa, bản tính tha thứ của Ngài, những phước lành hào phóng của Ngài hoặc sự đồng hành của Ngài. Vào cuối tuần, hãy dành chút thời gian để xem lại ghi chú của bạn. Hãy suy ngẫm xem những cảnh tượng xảy ra hàng ngày này có liên quan như thế nào đến câu chuyện về Giô-na và tính cách của Đức Chúa Trời.