Khải tượng

Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Anh Em Sinh Đôi

Anh Em Sinh Đôi

Chủ Đề Bài Học: Được Phước Khi Làm Con Của Chúa

Câu Kinh Thánh Chủ Đề: “Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống”. (Gia-cơ 1:17a - BTT)

Câu Chuyện Kinh Thánh: Sáng Thế Ký 25:19-34; 27:32-33

Ông Gia-cốp và ông Ê-sau là anh em sinh đôi, nhưng họ hoàn toàn trái ngược nhau. Một ngày nọ, ông Ê-sau bán quyền trưởng nam của mình cho ông Gia-cốp, còn ông Gia-cốp thì dùng mưu kế để cướp phước lành của anh mình, và hai anh em đã trở thành kẻ thù của nhau.

Ông Gia-cốp đã lừa gạt cha để cướp phước lành của anh mình là Ê-sau, còn ông Ê-sau đã đánh mất quyền trưởng nam của mình chỉ vì một tô súp. Chắc ông Ê-sau buồn lắm. Chúng ta không muốn buồn như ông Ê-sau, hoặc phải lừa gạt như ông Gia-cốp để có được ơn phước của Chúa. Vì khi chúng ta tin Chúa Giê-xu thì Đức Chúa Trời ban cho chúng ta mọi ơn phước.

Hoạt Động: Đổ Cho Đầy

Khám phá câu chuyện Kinh Thánh qua trò chơi “Đổ Cho Đầy”.

Chuẩn bị: Bốn cái tô/bát lớn. •Hạt đậu/đỗ hoặc hạt bắp/ngô .•Một cái muỗng/thìa lớn. •Một cái muỗng/thìa nhỏ -Đổ đầy hạt đậu/đỗ hoặc hạt bắp/ngô vào 2 tô/bát lớn.

Chúng ta không có món súp giống như ông Gia-cốp đã nấu, nhưng trong trò chơi hôm nay chúng ta có rất nhiều đậu. Chúng ta cùng xem nhóm nào có thể đổ đầy đậu vào cái tô của mình trước nhé!
Chia lớp làm 2 nhóm. Cho các nhóm xếp thành 2 hàng dọc, cách nhau 1 mét. Đặt 2 cái tô rỗng cách 2 nhóm khoảng 3-4 mét. Phát mỗi nhóm 1 cái muỗng và bắt đầu trò chơi. Các em sẽ thay phiên nhau dùng muỗng để chuyển những hạt đậu từ tô này đến tô kia (1). Sau khi chuyển đậu,các em quay về, đưa muỗng cho bạn ở đầu hàng và chạy nhanh xuống cuối hàng để chờ đến lượt chuyển tiếp theo (2). Nhóm nào chuyển hết đậu xong trước sẽ thắng. Nếu các em nhận ra kích cỡ muỗng có sự khác biệt thì hãy nói rằng đó là cách chơi của trò này. Nếu các em không chú ý thì đừng chỉ ra sự khác biệt đó cho đến khi kết thúc trò chơi. Nếu còn thời gian, hãy cho các nhóm đổi muỗng để chơi vòng tiếp theo

(Hỏi các em bên nhóm sử dụng muỗng nhỏ) Các em cảm thấy thế nào khi thua trò chơi này? (Một bên muỗng lớn, một bên muỗng nhỏ).

Thầy/Cô nghĩ rằng tất cả chúng ta đã có những lúc bị đối xử không công bằng. Chúng ta sẽ học kỹ hơn về điều này trong các phần tiếp theo của bài học hôm nay

Liên hệ bài học | Thừa Kế Phước Hạnh

Trong đời sống chúng ta, có những điều thấy được, có những điều chưa thấy được. Có những điều tạm thời, chóng qua, cũng có những điều lâu bền, còn mãi. Trong câu chuyện giữa hai anh em Ê-sau và Gia-cốp, điều nào thấy được? Điều nào chưa thấy được? (Học viên trả lời)

Quyền trưởng nam là điều chưa thấy được. Còn tô canh (tô súp) đậu thì thấy ngay trước mắt. Trưởng nam là con trai trưởng, là người sẽ đứng đầu gia đình và sẽ được chia cho nhiều tài sản hơn. Ông Ê-sau coi thường điều chưa thấy được là quyền trưởng nam. Ông đã đổi quyền trưởng nam để lấy một tô canh (tô súp) đậu và mấy miếng bánh.

Là người của Chúa, chúng ta được thừa hưởng nhiều phước hạnh, được làm con của Chúa, được ban cho quyền để thắng hơn tội lỗi, có niềm vui khi vâng theo lời Chúa, hưởng được những lời hứa của Chúa... Thế nhưng chúng ta không chú ý, không quý trọng những điều đó, hoặc đổi những điều đó để có được những điều trước mắt như tiền bạc, đồ chơi, quần áo mới, điểm cao, bạn xấu... Đức Chúa Trời vẫn yêu thương chúng ta, Ngài có lời Kinh Thánh nhắc nhở để chúng ta quý trọng và không quên những phước hạnh Ngài ban

Đọc II Cô-rinh-tô 1:20 - BTTHĐ: “Vì trong Ngài, tất cả mọi lời hứa của Đức Chúa Trời đều là - Có. Do đó, cũng bởi Ngài mà chúng ta đều nói A-men để tôn vinh Đức Chúa Trời”.

Câu Kinh Thánh có ý như thế này: Bất kể bao nhiêu điều Đức Chúa Trời đã hứa, trong Ngài tất cả lời hứa đều được trả lời là “Có”. Vì thế, nhờ Ngài mà chúng ta có thể nói “A-men” và dâng vinh hiển về Đức Chúa Trời.

“Ngài” trong câu Kinh Thánh là ai? Là Chúa Giê-xu. “Trong Ngài” nghĩa là gì? Nghĩa là trong Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu đã đổ huyết ra trên thập tự giá để cứu chuộc chúng ta, ban cho chúng ta quyền làm con của Ngài. Trong Ngài chúng ta được cứu, được hưởng mọi ơn phước thuộc linh (được cứu rỗi, được tha thứ, được bình an...) và những ơn phước thuộc thể (được đi học, có người thân yêu thương, được chăm sóc...)

Áp Dụng Thực Tiễn

Qua bài học về ông Gia-cốp và ông Ê-sau, Thầy/Cô muốn các em suy nghĩ và nhớ lại những ơn phước mình đã được nhận khi làm con của Chúa.

Chúng ta cùng cầu nguyện: “Lạy Cha Thiên Thượng, cảm ơn Cha đã yêu chúng con, ban Chúa Giê-xu đến cứu chuộc chúng con, cho chúng con được làm con của Ngài. Xin Chúa cho chúng con trung tín với Ngài, luôn biết ơn Chúa và giữ gìn những ơn phước Chúa ban. Chúng con cầu nguyện trong Danh Chúa Giê-xu. A-men!”.

Thử thách của chúng ta là tiếp tục cầu nguyện và tập thói quen đếm những ơn phước Chúa ban, đồng thời cảm tạ Ngài không thôi vì những điều đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét