Khải tượng

Thứ Tư, 11 tháng 10, 2023

SÁCH GIÔ-NA “Tình yêu không thể tránh khỏi” của Đức Chúa Trời - Phần Giới Thiệu

 SÁCH GIÔ-NA

“Tình yêu không thể tránh khỏi” của Đức Chúa Trời

Dịch từ Darlene Schacht

PHẦN GIỚI THIỆU

Lòng dũng cảm không phải lúc nào cũng gầm lên. Đôi khi lòng can đảm là giọng nói trầm lặng vào cuối ngày, nói rằng: “Ngày mai ta sẽ thử lại”. -Mary Anne Radmacher

Nếu bạn đã từng tự nhủ với chính mình như thế, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Câu chuyện của Giô-na là một minh chứng cổ xưa về sức mạnh của những lời thì thầm đó—những lời thì thầm về ân sủng, về cơ hội thứ hai và về tình yêu không gì so sánh được.

Giọng nói thầm lặng của lòng can đảm tìm thấy tiếng vang của nó trong những trang sách này. Đây là người đã khám phá ra rằng, cơ hội thứ hai là cách Chúa mở rộng ân sủng biến đổi của Ngài—một ân sủng chạm đến những góc tối nhất trong tấm lòng chúng ta, ban cho chúng ta những khả năng không thể tưởng tượng được về tình yêu Ngài. Tình yêu của Đức Chúa Trời không chỉ là lời thì thầm thoảng qua như cơn gió; mà đó là tiếng vang kiên cường, vang vọng qua từng chương của cuộc đời chúng ta, mời gọi chúng ta trở về nhà, ngay cả khi chúng ta đã lạc đường.

Câu chuyện của Giô-na cho chúng ta một minh họa sống động về lòng thương xót của Chúa và cuộc đấu tranh của con người với sự vâng phục và lòng trắc ẩn. Vị tiên tri này của Đức Chúa Trời không chỉ là một nhân vật trong câu chuyện cổ, mà còn là tấm gương phản chiếu về những do dự, thành kiến của chúng ta và sức mạnh biến đổi của ân sủng thiêng liêng.

GIÔ-NA LÀ AI?

Giô-na là một nhà tiên tri nhỏ đến từ Gath-hepher, một thị trấn trong vùng Ga-li-lê. Theo nghĩa Kinh thánh, tiên tri nhỏ có nghĩa là tuy các bài viết của ông ngắn hơn nhưng chúng không kém phần quan trọng. Với tư cách là người phát ngôn của Chúa, ông đóng vai trò là người dẫn đường, để chuyển tải các thông điệp thiêng liêng từ Thượng Đế, nhằm hướng dẫn, cảnh báo hoặc an ủi mọi người. Tuy nhiên, Giô-na cũng bất chấp vai trò truyền thống này, ông công khai vật lộn với cái giá phải trả cho sự vâng lời. Ngoài sách Giô-na, chúng ta còn biết được từ 2 Các Vua 14:23-25 rằng ông là một nhà tiên tri ở vương quốc Y-sơ-ra-ên phía bắc dưới triều đại của Giê-rô-bô-am II. Ở đó, ông tiên đoán về sự mở rộng lãnh thổ của Israel - và lời tiên tri đã ứng nghiệm, nhấn mạnh rằng ân tứ tiên tri của ông được công nhận. Mặc dù ông là một sứ giả đáng tin cậy, truyền đạt những điều mặc khải thiêng liêng, tuy vậy ông phải đấu tranh với sự vâng lời, thể hiện tính nhân văn và sự phức tạp trong tính cách của ông.

TỔNG QUAN VỀ LỊCH SỬ

Mặc dù quyền tác giả và thời điểm chính xác của cuốn sách này vẫn là chủ đề đang được tranh luận, nhưng người ta thường cho rằng, nó được viết từ thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, trong thời kỳ Đế chế Assyria, một chế độ khét tiếng vì sự tàn ác của nó.

Bối cảnh lịch sử này tăng thêm phức tạp cho việc Giô-na miễn cưỡng rao giảng cho người dân ở Nineveh, thủ đô của người Assyria. Cuốn sách thách thức chúng ta đương đầu với những thành kiến và nỗi sợ hãi của chính mình, đặc biệt khi chúng ta được kêu gọi mở rộng tình yêu của Chúa cho những người mà chúng ta muốn tránh xa hoặc lên án. Cuộc hành trình của Giô-na—về mặt thể chất, tình cảm và tâm linh—là một bài học vượt thời gian về lòng thương xót vô biên của Chúa và cách Ngài sử dụng ngay cả những khuyết điểm và sai lầm của chúng ta để hoàn thành sứ mệnh Chúa giao phó.

SỰ KHÔN NGOAN CHO THỜI ĐẠI NÀY

Trọng tâm của Sách Giô-na là một số chủ đề đan xen với nhiều bài học vượt thời gian. Trước hết, nó đề cập đến lòng thương xót bao la của Đức Chúa Trời, đến cả những người mà chúng ta có thể coi là kẻ thù. Ngoài ra, nó còn đề cập đến sự bất tuân của con người, cuộc đấu tranh của chúng ta với thành kiến và sức mạnh biến đổi của sự ăn năn. Câu chuyện thúc đẩy chúng ta phải vật lộn với những câu hỏi lớn hơn về lòng trắc ẩn của Thượng Đế, giới hạn của con người và khả năng cứu chuộc, biến đổi từ Ngài.

Sách Giô-na đưa ra những bài học quan trọng cho phụ nữ ngày nay. Khi chúng ta đang bối rối giữa sự kỳ vọng và niềm tin cá nhân, câu chuyện Giô-na nhắc nhở chúng ta suy ngẫm về những thành kiến của chính mình, cả thành kiến tinh vi lẫn thành kiến công khai. Có những người hoặc tình huống nào chúng ta đang tránh né vì thành kiến hay sợ hãi không? Có lời kêu gọi gia tăng ân sủng nào mà chúng ta đang phớt lờ không?

Trong sự phức tạp của cuộc sống hiện đại—nơi chúng ta phải đảm nhận các vai trò vừa làm mẹ, vừa là con gái, là chuyên gia và là thành viên trong cộng đồng—câu chuyện Giô-na dạy chúng ta rằng sự bất toàn của chúng ta không loại chúng ta khỏi kế hoạch của Chúa. Đúng hơn, chính nhờ những thiếu sót và thử thách của chúng ta mà Ngài uốn nắn chúng ta thành những chiếc bình đựng ân sủng và tình yêu vô biên của Ngài.

NHƯNG TRƯỚC HẾT, HÃY ĐỌC KINH THÁNH

Trước khi bắt đầu nghiên cứu sách Giô-na, tôi khuyến khích bạn chuẩn bị lòng mình bằng cách tìm hiểu một số câu Kinh Thánh cơ bản. Những đoạn này giúp soi sáng chủ đề về tình yêu và ân điển không ngừng nghỉ của Chúa, một chủ đề mà chúng ta sẽ khám phá sâu hơn trong suốt hành trình này. Những đoạn này như những ngọn hải đăng soi sáng, tỏ lộ những khía cạnh của tình yêu và ân sủng vô tận của Thiên Chúa. Mỗi đoạn cho một góc nhìn riêng để hiểu rõ hơn về đặc tính của Chúa—một đặc tính đầy lòng trắc ẩn, tha thứ và không ngừng kéo chúng ta đến gần Ngài hơn.

1.       Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15:1-7) - Giống như Giô-na, câu chuyện này nhấn mạnh việc Chúa không ngừng theo đuổi những kẻ lạc lối

2.       Dụ ngôn đứa con hoang đàng (Lu-ca 15:11-32) - Dụ ngôn này chia sẻ các chủ đề về sự nổi loạn, ăn năn và ân điển vô biên của người Cha yêu thương

3.       Ma-thi-ơ 20:1-16 - Dụ ngôn này cho thấy sự khó hiểu của lòng thương xót và ân điển của Đức Chúa Trời, một lĩnh vực mà Giô-na phải vật lộn để hiểu được nó.

4.       Thi Thiên 139 - Thi Thiên này trình bày một cách tuyệt vời về tình yêu không thể tránh khỏi của Đức Chúa Trời, giống như Giô-na cách đã khám phá ra.

Khi chúng ta suy gẫm sự phức tạp trong câu chuyện của Giô-na, mong sao giọng nói thầm lặng của lòng can đảm đó thì thầm trong lòng chúng ta. Mong ước nó nhẹ nhàng nhắc nhở chúng ta rằng cơ hội thứ hai chỉ là một lời cầu nguyện, và đôi khi lòng dũng cảm là một giọng nói trầm lặng vào cuối ngày nói rằng: “Ngày mai tôi sẽ thử lại”. Trong bối cảnh đó, chúng ta đừng bao giờ quên tình yêu không thể trốn chạy của Chúa đang theo đuổi chúng ta không mệt mỏi—ngay cả khi chúng ta đang chạy theo hướng ngược lại.

***

Thân chào quý cô! Chào mừng bạn đến với chương trình học sách Giô-na. Nếu bạn từng cảm thấy muốn chạy trốn khỏi một vấn đề nào đó, hoặc nghi ngờ về sự công bình của ân sủng Chúa – hãy nhớ rằng, không phải chỉ một mình cảm giác như thế. Cuộc hành trình của Giô-na là cuộc hành trình mà tất cả chúng ta đều có thể đồng cảm theo cách nào đó. Đó là lời mời khám phá bản tánh Đức Chúa Trời, là Đấng không ngừng theo đuổi, là Người Cha tha thứ, là Đấng ban cho cách rộng lượng và là Người bạn đồng hành khắp nơi.

Trước khi chúng ta đi sâu vào những trải nghiệm của Giô-na—và có thể khám phá ra một số suy nghĩ của chính chúng ta trong câu chuyện—tôi khuyến khích bạn dành chút thời gian đọc Kinh Thánh. Dưới đây, bạn sẽ tìm thấy danh sách các đoạn Kinh Thánh, mỗi đoạn đưa ra một góc nhìn độc đáo về Chúa là ai (bạn cũng sẽ tìm thấy điều này trong sách hướng dẫn nghiên cứu). Danh sách này cũng cung cấp cái nhìn sâu sắc về lý do tại sao những câu này được chọn và chúng liên quan như thế nào đến câu chuyện về Giô-na. Nền tảng tâm linh này sẽ giúp soi sáng cuộc hành trình của chúng ta qua Giô-na, mở lòng chúng ta đón nhận tính cách đa diện của một Đức Chúa Trời, Đấng không ngừng theo đuổi chúng ta, tha thứ, ban phước cho chúng ta và bước đi bên cạnh chúng ta, bất kể chúng ta ở đâu.

Đức Chúa Trời là Đấng không ngừng theo đuổi: Dụ ngôn con chiên lạc (Lc 15:1-7)

Khi bắt đầu nghiên cứu về Giô-na, chúng ta sẽ thấy rằng việc Chúa theo đuổi Giô-na rất kiên quyết, ngay cả khi ông cố gắng chạy trốn khỏi sự hiện diện của Chúa. Dụ ngôn về con chiên lạc sẽ là một tấm gương phản chiếu sự quyết tâm của Chúa để theo đuổi mỗi người chúng ta khi chúng ta lạc lối.

Đức Chúa Trời là Người Cha Tha thứ: Dụ ngôn Người con hoang đàng (Lc 15:11-32)

Giô-na bỏ chạy, nổi loạn và thậm chí phẫn nộ với lòng thương xót của Chúa đối với Ni-ni-ve. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời vẫn là Người Cha tha thứ, cho Giô-na một cơ hội để ăn năn và trưởng thành. Tương tự, việc đứa con hoang đàng trở về với cha mình, chứng tỏ sự tha thứ của Đức Chúa Trời đang chờ đợi chúng ta, dù chúng ta có trôi dạt xa cách cỡ nào.

Đức Chúa Trời là Đấng ban phát rộng rãi: Dụ ngôn người làm vườn nho (Ma-thi-ơ 20:1-16)

Trong câu chuyện về Giô-na, chúng ta nhận thấy ân điển rộng lớn của Chúa dành cho tất cả mọi người—kể cả người dân thành Ni-ni-ve, những người mà Giô-na tin là không xứng đáng. Dụ ngôn trong Ma-thi-ơ 20 giúp chúng ta thấy rõ lòng rộng lượng này, vì ngay cả những người đến vườn nho muộn cũng được khen thưởng. Khi chúng ta khám phá phản ứng của Giô-na trước ân điển của Đức Chúa Trời, dụ ngôn này sẽ thách thức chúng ta đối diện với nhận thức của chính mình: về việc ai là người “xứng đáng” với tình yêu của Đức Chúa Trời.

Đức Chúa Trời là Người Bạn Đồng Hành khắp nơi: Thi thiên 139

Khó khăn lắm, Giô-na mới học được rằng: không có nơi nào mà ông có thể đi để trốn khỏi sự hiện diện của Chúa—ngay cả trong bụng con cá lớn dưới đáy đại dương. Thi Thiên 139 củng cố khía cạnh này trong đặc tính của Chúa, nhắc nhở rằng chúng ta luôn ở trong tầm tay của tình yêu, sự chăm sóc và hướng dẫn của Ngài.

KINH THÁNH ĐỌC THÊM TRONG TUẦN:

Ẩn dụ Con Chiên Lạc trong Lu-ca 15:1-7, Dụ ngôn đứa con hoang đàng trong Lu-ca 15:11-32, Dụ ngôn Người làm vườn nho Ma-thi-ơ 20:1-6, Hãy đọc Thi Thiên 139. Nếu bạn muốn ghi chú trong Kinh Thánh, hãy gạch dưới hoặc đánh dấu những câu nào nhắc đến sự hiện diện của Chúa hoặc sự gần gũi của Ngài với bạn. Cho dù đó là những cụm từ như “Ngài ở đó” hay “Ngài bao bọc tôi”, hãy để những lời này nhắc nhở rằng Chúa luôn ở bên bạn.

THỬ THÁCH TUẦN NÀY

Tìm một cuốn sổ tay để ghi Nhật ký 'Những lần nhìn thấy Chúa' của bạn. Mỗi ngày, hãy dành một chút thời gian để viết ra cách bạn đã thấy bản tính của Chúa được bày tỏ trong cuộc sống của bạn, hoặc trong thế giới xung quanh bạn. Đó có thể là: sự theo đuổi không ngừng nghỉ của Chúa, bản tính tha thứ của Ngài, những phước lành hào phóng của Ngài hoặc sự đồng hành của Ngài. Vào cuối tuần, hãy dành chút thời gian để xem lại ghi chú của bạn. Hãy suy ngẫm xem những cảnh tượng xảy ra hàng ngày này có liên quan như thế nào đến câu chuyện về Giô-na và tính cách của Đức Chúa Trời.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét