Chương 29: ĐỒNG HOANG
Hai lữ khách vừa trải qua một thời gian được tươi mát tâm
linh trên Con đường hẹp. Nhà Thanh giáo Thomas Brooks gọi những thời điểm đó là
“thiên đàng trên đất”.
Bây giờ cảnh quan bắt đầu thay đổi, Con đường hẹp và Dòng
sông bắt đầu chia cắt và rẽ theo hai hướng riêng biệt. Chúng ta phải nhớ rằng
Con đường đại diện cho ý muốn Đức Chúa Trời khi nó được bày tỏ cho chúng ta
trong Lời Ngài, và Con sông đại diện cho “trải nghiệm trên đỉnh núi” về sự đổi
mới tâm thần lên chốn cao hơn. Có thể hiểu rằng con đường hẹp chúng ta đi mỗi
ngày không phải lúc nào cũng được trải nghiệm tươi mát.
Khi những lữ khách đi bộ một lúc, họ nhận thấy Con đường gồ
ghề hiểm trở bất thường, và họ bắt đầu mong muốn có một con đường dễ đi hơn.
Như lòng họ ao ước, có một cánh đồng xanh tươi tên Đồng Hoang song song với Con
đường chính.
Điều tự nhiên là chúng ta luôn tìm kiếm “cách tốt hơn”. Rốt
cuộc, một con đường dễ dàng, thoải mái, ít rắc rối là quyền lựa chọn của chúng
ta, phải không? Chúng ta muốn một cuộc sống đảm bảo, tự do và mưu cầu hạnh
phúc. Bunyan bày tỏ là ý muốn của Chúa không phải lúc nào cũng đưa chúng ta vào
con đường thoải mái và an toàn. Ngay cả khi Elizabeth Bunyan cầu xin Thẩm phán
Twisdon trả tự do cho chồng cô vì lợi ích của cô và bốn đứa con nhỏ mà cô đang chăm
sóc, cô phải tự hỏi, "Liệu chồng cô có từ bỏ việc rao giảng không?" Cô
có thể lựa chọn câu trả lời dễ dàng hơn, thoải mái hơn, nhưng cô biết sự nguy
hiểm của Đồng Hoang nên đã trả lời, "Lạy Chúa, khi còn có thể nói được thì
anh ấy không dám bỏ việc rao giảng dở chừng"
Rất hợp lý khi chúng ta dựa vào lý trí do Đức Chúa Trời ban
cho, dựa vào lý luận, khả năng suy luận của chúng ta, nhưng lý trí quyết định
những điều thuộc linh có thể gây nguy hiểm. Kinh thánh nhắc nhở chúng ta, “Hãy
hết lòng tin cậy Đức Giê-hô-va, Chớ nương cậy nơi sự thông sáng của con; Phàm
trong các việc làm của con, khá nhận biết Ngài, Thì Ngài sẽ chỉ dẫn các nẻo của
con.” (Châm ngôn 3: 5)
LÂU ĐÀI HOÀI NGHI VÀ TÊN KHỔNG LỒ TUYỆT VỌNG
Chúng ta đã đến một trong những cảnh ấn tượng và đáng nhớ nhất
trong toàn bộ câu chuyện ngụ ngôn này — một cảnh sẽ gắn bó với nhiều người
trong chúng ta trọn cả đời.
Chúng ta còn nhớ là rất dễ dàng để đi theo lối vào Đồng
Hoang. Con đường này thật thoải mái, cũng song song với Đường Hẹp, nhưng lại không
có chông gai hay những nơi gồ ghề. Có vẻ hợp lý khi hai lữ khách nên tận dụng
phước lành có sẵn này. Tuy nhiên, khi trời sập tối, họ không thể tìm ra lối để
quay trở lại Con đường chánh đáng. Bây giờ họ sắp bị đưa vào nanh vuốt của Tên Khổng
Lồ Tuyệt Vọng.
Bunyan đã học được từ cuộc chiến thuộc linh của mình rằng một
lương tâm yếu đuối khi không theo ý muốn của Chúa thì sẽ rất khó để hòa phục cùng
Ngài để biết chắc mình được cứu. Ông đã nhận biết những vương vấn của tội lỗi
(Rô-ma 7: 14–21) cứ dính dấp theo mình, có thể làm suy yếu tâm hồn và chìm trong
bóng đêm của nghi ngờ.
Thật ra không phải mọi người đều sẽ trải qua tất cả các sự việc
diễn ra trong câu chuyện ngụ ngôn này. Một số người có thể sẽ không vật lộn với
Apollyon; những người khác thì không rơi vào Vũng Lầy Tuyệt Vọng. Hoặc nhiều người
sẽ không thấy Lâu đài Hoài Nghi. Tuy nhiên, sự nghi ngờ, tuyệt vọng và chán nản
có thể xảy đến cho những ai đã từng phạm quá nhiều lỗi lầm, hoặc đã từng chống nghịch
ân điển của Đức Chúa Trời, nên khi họ muốn tìm kiếm ơn thương xót đều gặp phải sự
nghi ngờ không biết Chúa Trời có tha thứ và phục hồi cho mình không. Đó chính là
khi bị nhốt trong Lâu Đài Hoài nghi. Tường thì dày, tháp thì cao và chủ nhân của
nó khó mà đánh bại. Hãy ghi lại lời bình luận đầy tuyệt vọng của Cơ Đốc Nhân:
“Đối với tôi nấm mồ còn dễ chịu hơn cả ngục tối này”.
Bản chất của tội lỗi sẽ luôn tìm cách đưa người ta đến cực
điểm xa nhất. Mục tiêu của lòng tham sẽ là trộm cắp, và tương tự như vậy, mầm mống
nhỏ nhất của lòng khinh bỉ và hận thù sẽ đến giết người. Chắc rằng mọi hành động
tuyệt vọng nếu cứ lên đỉnh điểm thì sẽ kết thúc bằng cách tự sát. Bunyan nhận
ra điều này, vậy nên trong sân lâu đài đầy những đầu lâu và xương cốt.
SUY GẪM
Tại sao Cơ Đốc Nhân quyết định rẽ vào Đồng Hoang?
Mô tả những gì đã xảy ra với Tự Tín.
Đọc Châm ngôn 14:12 và 16:17. Vẽ các dấu hiệu cảnh báo và viết
trên mảnh giấy một lời khuyên mà bạn sẽ đưa ra cho những lữ khách nếu bạn đang
đứng ở ngã rẽ vào Đồng Hoang.
Trên bức tranh viết lời thoại những gì Gã khổng lồ tuyệt vọng
đã nói khi tìm thấy những lữ khách đang ngủ trong vùng đất của mình.
Gã khổng lồ tuyệt vọng đã đưa những lữ khách đến đâu, và đã đối xử với họ như thế nào?
Tại sao Cơ Đốc Nhân lại cảm thấy “buồn phiền gấp đôi”?
Đầu tiên Vô Tín bảo chồng làm gì với Cơ Đốc Nhân và Hy Vọng?
Bà ta bảo Gã khổng lồ tuyệt vọng làm gì tiếp theo khi phát
hiện ra những lữ khách vẫn còn sống?
Nếu bạn cũng bị nhốt trong Lâu đài, bạn sẽ làm gì để thoát
khỏi?
Cơ Đốc Nhân và Hy Vọng đã thoát khỏi Lâu đài bằng cách nào?
Làm thế nào để bạn có thể làm suy yếu Sự tuyệt vọng khổng lồ
trong cuộc đời bạn?
ĐÀO SÂU
Đọc các Dân số ký 21: 1–9. Điều gì đã xảy ra với dân
Y-sơ-ra-ên?
Đọc 2 Ti-mô-thê 4:12. Phao-lô đưa ra lời khuyên nào cho
Ti-mô-thê?
Trên hành trình của Cơ Đốc Nhân, tại sao anh lại chạm trán
Người khổng lồ tuyệt vọng và phải vào Lâu đài Nghi ngờ?
Bunyan sử dụng nước dâng lên cao và bóng tối để khiến Cơ Đốc
Nhân và Hy Vọng không thể quay trở lại Con đường chánh đáng. Bạn có đồng ý rằng
“tẻ tách khỏi đường chánh đáng thật dễ hơn việc quay trở về gấp bội” không?
Giải thích câu trả lời của bạn.
Cơ Đốc Nhân và Hy Vọng có thể tránh khỏi Lâu đài Nghi ngờ
không? Giải thích câu trả lời của bạn bằng những câu Kinh thánh cụ thể.
Bunyan ghép Vô Tín với Gã Khồng lồ Tuyệt vọng là ‘cặp đôi hoàn
hảo’. Theo bạn, mối liên hệ giữa Vô Tín và Tuyệt Vọng là gì?
Những kiểu suy nghĩ nào sẽ báo hiệu rằng một người đang ở
trong Lâu đài Nghi ngờ? (Xem thêm Gióp 7).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét